Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nêu ý kiến về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khi tham gia vào lĩnh vực này, tất cả các nhà đầu tư đều đòi hỏi yếu tố luật pháp. Họ chỉ tin vào luật và phải có luật mới làm, vì luật mới bảo vệ nhà đầu tư.
Theo Thủ tướng, trong một số lĩnh vực Nhà nước không cần thiết đầu tư công, nên vai trò cần thấp xuống, ngược lại vai trò của tư nhân phải cao hơn. Khẳng định nguồn lực trong dân còn rất lớn, nhưng theo Thủ tướng, nếu chưa có luật pháp bảo vệ thì họ không bỏ ra đầu tư, nên phải có luật pháp cụ thể.
Đặc biệt về yếu tố kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh, khi hợp tác công tư thì hai bên đều phải có lợi, “nước lên thuyền lên”. Quan điểm thị trường này phải rất rõ trong luật mới được như vậy mới có thể kêu gọi người dân, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Dẫn lại câu nói của James A.Robinson “một quốc gia thịnh vượng hay không thì vấn đề đầu tiên chính là thể chế, Thủ tướng cho rằng, phải đẩy nhanh hoàn thiện về thể chế, thủ tục, đảm bảo minh bạch, khách quan mới giải quyết được vấn đề.
“Hiện nay do chồng chéo, vướng mắc của luật pháp nên người ta chưa nhiệt huyết khi đầu tư vào Việt Nam. Tôi nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt. Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển được. Thể chế, thể chế và thể chế”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý “đừng sợ dân giàu”, và cần bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư để họ yên lòng đầu tư.
Theo Thủ tướng, tất cả các lĩnh vực quan trọng đều phải mở ra để thu hút đầu tư, trừ những việc Nhà nước phải nắm “yết hầu” của nền kinh tế như tiền tệ, quốc phòng, an ninh… còn lại nên huy động vốn tư nhân. Dẫn chứng lĩnh vực điện lực, Thủ tướng lưu ý, chỉ nên độc quyền về quản lý thôi, nếu độc quyền cả đầu tư thì làm sao được, vì EVN không có tiền, vay quá hạn mức rồi.
“Chính phủ không nên ôm dự án, công trình, nhà nước chỉ khuyến cáo những việc thật nguyên tắc. Nếu ôm hết từ A đến Z thì làm sao được. Tính thị trường là không để nhà nước bảo lãnh hết, nếu bảo lãnh hết thì nợ công, nợ Chính phủ đội lên”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, luật lần này nên quy định những nguyên tắc quan trọng để nhà đầu tư yên tâm, còn lại giao cho Chính phủ quy định những việc khác cho thông thoáng.