Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mô hình mới của ngành thuế đã gọn nhẹ hơn khi số lượng chi cục ở cấp tỉnh, cấp huyện giảm xuống từ 711 xuống 415 chi cục, giảm đến 2.100 đội thuế và từ đó, giảm biên chế hết sức mạnh mẽ. Đặc biệt, trong bối cảnh sắp xếp lại bộ máy nhiệm vụ thu thuế, nguồn thu quan trọng nhất của ngân sách Nhà nước, vẫn được bảo đảm. Toàn ngành đã thu 1,27 triệu tỷ đồng, vượt 9,3%.
Thủ tướng cho rằng, đây là một điển hình mà các ngành khác trong Bộ Tài chính và các ngành Trung ương có thể học tập để tinh giản bộ máy, nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ chính trị được giao.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế mà ngành thuế cần khắc phục. Đó là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực vẫn còn xảy ra mà dư luận đã phản ánh trong thời gian qua cũng như các khiếu nại của doanh nghiệp. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm phải xử lý. Vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, tình trạng nợ đọng thuế, chây ì nộp thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn diễn ra. Việc nắm bắt nguồn thu, số thu còn chưa kịp thời. Việc dự báo đánh giá tình hình thu còn chưa sát thực tế phát sinh, còn bị động cho việc điều hành ngân sách nhà nước.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị ngành thuế phải tiên phong khắc phục vấn đề này, đồng thời phải phải tìm những cán bộ giỏi, có đức, có tài để thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Đề cập đến tác động của dịch virus Covid – 19 gây ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hiện chưa có cơ sở điều chỉnh một số chỉ tiêu vĩ mô, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Do đó, nhiệm vụ kép của Chính phủ là vừa chống dịch và vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, hiện Việt Nam là một nước bước đầu rất thành công trong kiểm soát dịch bệnh do virus Corona (Covid-19), và mọi hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường. Song vì vì tính mạng, sức khỏe người dân, Chính phủ vẫn quyết định thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế tập trung đông người, nhất là kiểm soát và cách ly y tế đối với những người đến và đi qua vùng dịch. Việc này có thể ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến du lịch, hàng không và một số ngành khác. Vì thế cần có chính sách để Chính phủ có thể thực hiện được mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách giãn, hoãn tiền thuế, chậm nộp phù hợp nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
“Trong bối cảnh dịch Covid 19 đang đe dọa toàn cầu gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, tôi đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách, trong đó có chính sách thuế, chậm, hoãn nộp như thế nào, đặc biệt vận dụng pháp luật về thuế đối với doanh vừa, và nhỏ. Trong thẩm quyền của mình, Bộ trưởng Tài chính cần trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp và công bố chính sách tài khóa đối với dịch bệnh để người dân có niềm tin để sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nói.