Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sáng 16/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ĐBSCL có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, có những điểm nghẽn, hạn chế, đặc biệt về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, làm tăng chi phí logistics, chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. |
Theo Thủ tướng, đến nay toàn vùng có 120km đường cao tốc đưa vào khai thác, 428km cao tốc đang thi công phấn đấu hoàn thành năm 2025; còn 215 km đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư… Như vậy, đến năm 2025, toàn vùng phải có 550km đường cao tốc, đến năm 2030 có 1.200km, mục tiêu không thay đổi, không chần chừ.
Thời gian qua, các dự án cao tốc qua ĐBSCL đạt tiến độ về giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhà thầu thi công những dự án lớn. Tuy vậy, Thủ tướng cũng lưu ý, không được chủ quan, không say sưa với những gì làm được, bởi vẫn còn những hạn chế, bất cập cần khắc phục. Trong đó, một số cơ quan quản lý địa phương chưa nghiên cứu sâu các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, các quy định pháp luật, hiểu chưa hết; một số địa phương chưa chủ động tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ…
Dẫn lại kinh nghiệm thành công từ dự án Đường dây 500 KV Mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành trong 6 tháng thay vì phải 3-4 năm, Thủ tướng chỉ ra bài học huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Từ Mặt trận Tổ quốc, ban dân vận, đoàn thanh niên, quân đội, công an, phụ nữ… tất cả đều vào cuộc tham gia cùng với chủ đầu tư, nhà thầu.
"Các dự án lớn trước đây như đường sắt, các dự án thủy điện Thác Bà, Lai Châu, Sơn La… chủ yếu làm thủ công, thuê chuyên gia nước ngoài. Còn giờ khá hơn, có trình độ hơn, trang thiết bị đầy đủ hơn, hiện đại hơn, chẳng nhẽ lại thua cha ông mình”, Thủ tướng dẫn chứng.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương không để các nhà thầu cô đơn trên công trường, cần có sự động viên, hỗ trợ. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển, cùng có niềm vui hạnh phúc. Tự lực tự cường, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội…
Quang cảnh hội nghị. |
Để tăng tốc, bứt phá tiến độ các dự án giao thông trọng điểm qua vùng ĐBSCL thời gian tới, Thủ tướng nêu 3 định hướng lớn, gồm: Giao thông thông suốt, đi trước mở đường; chỉ bàn làm, không bàn lùi, đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo kỹ - mỹ thuật, an toàn, đảm bảo môi trường sống cho người dân; không tiêu cực lãng phí; đã quyết là làm, đã làm thì phải có sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được, người dân được hưởng thụ thật.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường cao tốc, có giải pháp bù lại tiến độ đã chậm. Các địa phương trong khu vực dự án tập trung hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 10/2024, không để ảnh hưởng đến tiến độ; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nguồn vật liệu và chỉ đạo quyết liệt đảm bảo nguồn vật liệu.
"Đặc biệt lưu ý công tác chăm lo đời sống cho người dân tái định cư, kiểm tra điều kiện của người dân đến nơi ở mới đảm bảo bằng hoặc hơn nơi ở cũ chưa, về chỗ ăn chỗ ở, dịch vụ y tế, giáo dục, thương mại, chợ búa… phải thuận lợi cho người dân", Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu… tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tất cả vì dân vì nước, vì sự tri ân đồng bào đồng chí vùng ĐBSCL, làm việc hết mình, hết sức, tránh đùn đẩy, né tránh.
"Tinh thần là đã quyết tâm cao rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì cố gắng nhiều hơn nữa, đã quyết liệt rồi thì quyết liệt hơn nữa, hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn nữa. Với khẩu hiệu 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian và rõ kết quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. |
Theo Bộ GTVT, khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với tổng vốn đầu tư khoảng 106 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Tuy nhiên, hầu hết các dự án trên đều chậm tiến độ so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu (thiếu cát san nền). Việc chậm tiến độ các dự án gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của các nhà thầu, ảnh hưởng hiệu quả thi công, giải ngân vốn và tiến độ hoàn thành các dự án.