Phát biểu tại tọa đàm với các doanh nghiệp Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Việt Nam - Brazil có quan hệ truyền thống, hai dân tộc đều nghĩ tốt về nhau, tới đây sẽ có giải pháp tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước. Tuy nhiên, quan hệ về thương mại, đầu tư chưa tương xứng. Do vậy, không gian phát triển trong những năm tới còn rất lớn. Hai nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau cùng phát triển.
"Chúng ta có thể còn thiếu thông tin, chưa hiểu hết thị trường của nhau, còn có thể e ngại khoảng cách địa lý. Về điều này, chúng ta sẽ tăng cường kết nối các doanh nghiệp và khắc phục khoảng cách về địa lý bằng nhiều giải pháp bằng vận tải hàng không, hàng hải, tìm tiếng nói chung về các mặt hàng có thể bổ sung cho nhau. Việt Nam có thể nhập khẩu bông, đỗ tương, ngô từ Brazil và xuất khẩu sang Brazil da giày, dệt may, nông sản, hàng điện tử", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NB. |
Thủ tướng cũng khái quát những quan điểm và định hướng phát triển của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, lấy người dân là chủ thể, động lực và mục tiêu cho sự phát triển.
Thủ tướng khẳng định các doanh nghiệp yên tâm tới Việt Nam đầu tư với một môi trường kinh doanh minh bạch, đảm bảo tuân thủ luật chơi quốc tế.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Brazil tuy đạt 6,8 tỷ USD nhưng chưa bằng 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Do vậy, dự địa còn rất lớn cho cả hai bên. Brazil có thể khai thác thị trường 600 triệu dân của ASEAN, một thị trường lớn hơn với 800 triệu dân của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Việt Nam là thành viên.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Brazil hãy đến Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhiều hơn trên tinh thần hai bên cùng thắng. |
Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu vào thị trường hơn 200 triệu dân của Brazil và 400 triệu dân của các nước trong khu vực Nam Mỹ. Bộ trưởng Công Thương cho biết sẽ nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán và ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), trong đó có Brazil.
Theo ông Diên, sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, sẽ làn sóng dịch chuyển đầu tư của các công ty đa quốc gia của Mỹ và các nước phát triển vào Việt Nam, nên nhu cầu về nguồn nguyên liệu sẽ tăng cao. Vì vậy, ông kêu gọi doanh nghiệp Brazil tăng cường cung ứng nguyên vật liệu cho Việt Nam, nhất là các ngành công nghiệp mới, như công nghệ bán dẫn
Bộ trưởng Công Thương cho biết, để thực hiện mục tiêu này, Bộ sẽ tăng cường nhân lực cán bộ thương vụ tại Brazil. Các ý kiến tại cuộc tọa đàm đề nghị đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác (đặc biệt là nông nghiệp); phối hợp triển khai các chương trình hợp tác trong xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, cơ hội đầu tư của mỗi nước.
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam đề nghị Chính phủ hai nước khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư, thương mại hai chiều trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh nhằm nâng tầm quan hệ thương mại, đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai nước.
Kết thúc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nay Việt Nam đang tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông, viễn thông, để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh.
Khẳng định Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc mở Brazil Văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Brazil tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Brazil và Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa chuyển giao khoa học, công nghệ; tăng cường kết nối để chia sẻ và hợp tác, cùng nhau phát triển.
Cùng với đó, với nền văn hóa giàu bản sắc, thể thao thành tích cao phát triển, Việt Nam - Brazil tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao. Thủ tướng mong muốn, với không khí quan hệ chính trị tốt đẹp như hiện nay, các doanh nghiệp Brazil hãy đến Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhiều hơn trên tinh thần hai bên cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Đánh giá cao thiện chí hợp tác của các doanh nghiệp Brazil, Thủ tướng cho biết Việt Nam tích cực cùng Brazil đàm phán các hiệp định thương mại tự do, bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác, phát triển. Do đó, đề nghị các doanh nghiệp hai bên tích cực tham gia và triển khai cụ thể hóa các cơ chế hợp tác thành những chương trình, dự án cụ thể. Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, đạt 15 - 20 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng hơn.