Sáng 1/7, tại Seoul, Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc tọa đàm bàn tròn với lãnh đạo gần 20 tập đoàn lớn hàng đầu của nước này trong các lĩnh vực.
"Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao..."
Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin, năm 2023, thương mại 2 nước đạt 76 tỷ USD. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ. Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam; đối tác về ODA đứng thứ 2; đối tác du lịch, lao động cũng đứng thứ 2, 3…
“Hôm nay, chúng tôi mong muốn quý vị chia sẻ ý tưởng, những góp ý cho Việt Nam phát triển để đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới, xứng tầm với mong muốn của nhân dân 2 nước”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tọa đàm bàn tròn với lãnh đạo gần 20 tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc. Ảnh: Nhật Bắc. |
Chia sẻ tại cuộc gặp, Chủ tịch Công ty GS Energy HUH Yongsoo cho biết, công ty hiện đầu tư nhà máy Phát điện Long An quy mô 3 tỷ USD. Ông hy vọng dự án này sẽ được hoàn thành và bán điện vào cuối năm nay. Ông Yongsoo mong Thủ tướng và các cơ quan Việt Nam hỗ trợ công ty đầu tư cũng như cho phép công ty thực hiện cơ chế tài chính toàn cầu và hỗ trợ pháp lý.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Công ty Doosan Enerbility Jung Yeonin cho biết, để đạt mục tiêu trung hòa cacbon, công ty sẵn sàng tham gia vào các dự án điện gió, điện khí ở Việt Nam. Ông mong muốn được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ, quan tâm để công ty có thể đưa sản phẩm tuabin của mình sản xuất tại Việt Nam vào các dự án tại Việt Nam.
“Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao và cùng Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn”, ông Jung Yeonin nói.
Đại diện Công ty Posco International cho biết, hiện đơn vị này đang sản xuất 2,3 triệu tấn thép ở Việt Nam. Công ty đã tham gia thành công dự án phát điện Mông Dương Việt Nam. Hiện công ty cũng đang đầu tư dự án Quỳnh Lập tại Nghệ An. Ông tin tưởng dự án này đóng góp thúc đẩy kinh tế địa phương, dẫn dắt thành công và khả năng dẫn khí. Ngoài các dự án này, ông mong muốn tham gia dự án đất hiếm và các dự án khác của Việt Nam.
Lãnh đạo Tập đoàn Hanwha Aerospace mong muốn cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng động cơ máy bay cho Việt Nam. Bởi theo tập đoàn, đây là nhu cầu rất lớn của các hãng hàng không Việt Nam. Hiện họ phải ra nước ngoài để bảo dưỡng động cơ máy bay.
Cơ chế đặc thù phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi
Chia sẻ tại tọa đàm, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, Thủ tướng đã phê duyệt các quy hoạch về năng lượng và Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế. Riêng khu vực năng lượng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 6-6,5% nên nhu cầu điện năng rất cao.
Để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030, Việt Nam vừa phải tăng quy mô nguồn điện vừa phải đẩy mạnh cơ cấu nguồn điện. Như vậy, đến năm 2030, Việt Nam phải tăng gấp đôi công suất hiện nay, đạt 150.000 MW, đến 2050 phải đạt 510.000 MW, gấp 8 lần tổng công suất đạt được hiện nay.
Để đảm bảo nhu cầu năng lượng trong mọi tình huống, theo ông Diên, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo 6 giải pháp. Trong đó có việc hoàn thiện cơ chế cạnh tranh trong phát triển và mua bán điện, đặc biệt là thị trường bán lẻ cạnh tranh. Thị trường phát điện cạnh tranh và bán buôn điện cạnh tranh đã thực hiện khá tốt.
"Hôm nay là ngày đầu tiên cơ chế mua bán điện trực tiếp, là cơ sở để các doanh nghiệp hợp tác", ông Diên nói và cho biết Chính phủ cũng chỉ đạo phát triển điện mái nhà áp mái theo hướng tự sản tự tiêu; rà soát điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường với tất cả các loại hình. Hiện Bộ Công Thương đã ban hành biểu giá để các nhà đầu tư tham chiếu.
Cũng theo ông, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ và Quốc hội cơ chế đặc thù phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi. Trong đó điện khí đưa ra định mức bao tiêu sản lượng điện tối thiểu và cho cơ chế đổi ngang giá khí sang giá điện. Việt Nam cũng hợp tác nghiên cứu đầu tư năng lượng mới như sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo.
"Bộ Công Thương đã có thỏa thuận với Bộ Công nghiệp Thương mại Năng lượng hợp tác lĩnh vực năng lượng và khoáng sản, hy vọng có sự hợp tác của các doanh nghiệp Hàn Quốc", ông Diên cho hay.
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp 3 cùng “cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng làm, cùng hưởng; cùng chiến thắng, phát triển". Ảnh: Nhật Bắc. |
Sau khi lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh đề xuất của doanh nghiệp tham gia bảo trì, bảo dưỡng động cơ máy bay. Ông mong doanh nghiệp liên hệ với Vietnam Airlines và Vietjet để thỏa thuận hợp tác.
“Việt Nam đang phát triển ngành hàng không vì kinh tế hàng không ngày càng lớn mạnh. Việt Nam cũng đang xây dựng sân bay Long Thành, đầu tư thêm nhà ga một số sân bay… nên rất cần bảo trì về máy bay”, Thủ tướng nói.
Về đề xuất tham gia đóng tàu, Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam có nhu cầu lớn vì là quốc gia biển, phát triển kinh tế biển với đường bờ biển dài hơn 3.200 km. Thủ tướng mong các doanh nghiệp đến hợp tác xây dựng nhà máy đóng tàu với các cỡ tàu khác nhau.
"Hiện một số nhà máy đóng tàu có công nghệ cao, giá cả phải chăng rất phát triển, đóng bao nhiêu hết bấy nhiêu. Mong các bạn sớm đầu tư", Thủ tướng kêu gọi.
Người đứng đầu Chính phủ cảm ơn và mong các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, trong đó ưu tiên đầu tư vào tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số. Thủ tướng cũng kỳ vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh.