Tối 7/11, tại Nhà hát Lớn - Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Buổi lễ do Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.
Cũng tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định số 1846/QĐ-TTg ngày 26/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10/11 hằng năm là "Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam".
Đây là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà còn có ý nghĩa với người dân và toàn xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Mọi quốc gia đều ra sức bảo vệ những thương hiệu của mình. Đó là lý do Chính phủ kiến tạo ngày nay rất quan tâm đến chủ đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân.
Nêu câu hỏi nét văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam là gì, Thủ tướng mong muốn mỗi doanh nghiệp sẽ có câu trả lời của riêng mình, “nhưng tôi cho rằng các nguyên tắc cơ bản hay nói cách khác là những giá trị cốt lõi chính là nền tảng, là sức sống của văn hóa doanh nghiệp”. Theo Thủ tướng, những nguyên tắc hay giá trị đó có thể là: “Liêm chính”, “Sáng tạo”, “Chuyên nghiệp”, “Tận tụy” hay “Trách nhiệm môi trường”, v.v… Chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc này của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn có cơ hội phát triển lớn mạnh. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để chúng ta hòa nhập, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Thủ tướng cũng chia sẻ một vài điều về văn hóa doanh nghiệp như không trốn thuế, chuyển giá, có trách nhiệm xã hội, trước hết là với môi trường sống của người dân xung quanh và đối xử với người lao động, nói không với đưa hối lộ, tham ô, lãng phí và vi phạm pháp luật khác. Văn hóa doanh nghiệp còn là sự tương thân, cạnh tranh lành mạnh, giúp đỡ lẫn nhau.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” với 5 nội dung xoay quanh các vấn đề như nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về văn hóa doanh nghiệp; xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm lành mạnh môi trường kinh doanh và nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực cho cán bộ nhân viên và người lao động...
Cũng tại lễ phát động Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam nhằm khuyến khích việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.