Khắc phục tình trạng đi vay rồi làm lặt vặt, dàn trải, không hiệu quả
Sáng 24/10, phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội cùng nhiều nội dung quan trọng khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, Chính phủ đã quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để bố trí cho các dự án ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thủ tướng lưu ý, xu hướng bây giờ là sản xuất xanh, tiêu thụ xanh, nên phải có quy hoạch, có các dự án lớn, vừa giải quyết vấn đề trước mắt, tình thế, nhưng cũng phải xây dựng dự án lớn, ngăn chặn được những vấn đề tác động tiêu cực đến ĐBSCL. Trên cơ sở đó, cần huy động nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay, làm cho bài bản, hiệu quả, kịp thời, trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ sáng 24/10. Ảnh Như Ý |
“Chúng ta có khả năng làm được, vấn đề là chúng ta phải mạnh dạn quyết tâm, thấy đúng rồi phải huy động nguồn lực để làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến nguồn lực đi vay hiện nay, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, có hai vấn đề cần khắc phục: Một là, thủ tục cần phải đổi mới, cải tiến, đơn giản thông thoáng, nhanh và kịp thời, nếu không sẽ kéo dài, lãng phí nguồn lực. Thứ hai, khắc phục tình trạng đi vay rồi làm lặt vặt, dàn trải không hiệu quả, mà phải tập trung vào bốn vấn đề lớn là chống sụt lún, chống sạt lở, chống ngập mặt và chống hạn hán.
“Tập trung vào bốn dự án này, không làm nhiều. Nếu đã đi vay phải làm những dự án lớn, xoay chuyển được tình thế, chứ không phải làm lặt vặt, manh mún, chia cắt”, Thủ tướng chia sẻ.
Đồng thời với đó, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực và vấn đề hạ tầng giao thông để tạo ra không gian phát triển mới, giải quyết công ăn việc làm, sinh kế của người dân.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hiện, đường thuỷ đã có quy hoạch, từ đó phải có hệ thống cầu cảng, trên cơ sở khai thác dòng sông bền vững cho đúng điều kiện tự nhiên. Các địa phương dành nguồn lực vào để thực hiện quy hoạch, đồng thời Trung ương cũng tập trung vào những cái lớn mang tính chất liên kết vùng, liên kết tỉnh.
Về đường bộ, Thủ tướng cho biết, hiện khu vực này đang làm hai trục giao thông chính là trục Bắc – Nam, từ TPHCM qua Cần Thơ xuống Cà Mau, đang quyết liệt hoàn thành “và phải hoàn thành” trong nhiệm kỳ này. Trung ương phải nỗ lực, địa phương phải cố gắng để làm cho được. Trục Đông Tây, từ Sóc Trăng - Cần Thơ - Hậu Giang đến An Giang, trên cơ sở hai trục chính này, sẽ làm đường hướng tâm kết nối lại.
Không có hàng không thì rất khó phát triển
Về hàng không, Thủ tướng lưu ý, các sân bay phải được củng cố, nâng cấp lên. Ví dụ như sân bay Cà Mau, dù còn khó khăn, như phải nâng cấp để tạo ra sự thay đổi. “Đường cao tốc chưa xong, đường bộ khó khăn mà không có hàng không hỗ trợ thì Cà Mau rất khó phát triển”, Thủ tướng lưu ý.
Đại biểu đoàn Cần Thơ cũng liên hệ đến tỉnh Điện Biên, đi đường bộ 10 tiếng, giao thông như thế ai lên? Do vậy, Điện Biên phải hoàn thành sân bay trong năm nay, như thế Điện Biên mới phát triển, khởi sắc.
“Quyết tâm thì chúng ta sẽ làm được, còn nếu không quyết tâm thì vẫn thế thôi. Từ bài học của Điện Biên, chúng ta rút ra để làm sân bay các địa phương khác”, Thủ tướng lưu ý. Nhưng để làm tốt điều này, phía địa phương phải quyết tâm, đầu tư nguồn lực, không ỷ lại Trung ương, mặt khác Trung ương cũng không bỏ rơi địa phương.
“Trung ương và địa phương kết hợp lại thì mới ra được sân bay Điện Biên… Địa phương cố gắng một ít, Trung ương cố gắng một ít thì sẽ ra sân bay. Còn Trung ương cứ bảo địa phương làm cả, thì địa phương không có đủ nguồn lực. Ngược lại, địa phương ỷ lại thì Trung ương cũng không có đủ nguồn lực. Nên phải có sự hợp tác công tư, hợp tác giữa Trung ương và địa phương”, Thủ tướng cho hay, đồng thời lưu ý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý.
“Tôi trăn trở sân bay Điện Biên từ năm 2017. Khi đó tôi viết thư cho Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, đề nghị phải làm sân bay Điện Biên”, Thủ tướng chia sẻ.