Theo ông Nên qua báo cáo của Hà Nội gửi Thủ tướng thì thấy, Hà Nội đã công khai một số sai phạm của chủ đầu tư và một số trách nhiệm khác, cũng như đề ra hướng xử khác. “Đây là việc làm nghiêm túc, kịp thời của Hà Nội”, ông Nên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Nên, qua các phương tiện thông tin đại chúng thì thấy, chủ đầu tư cũng “phản ứng” lại ý kiến kết luận của Hà Nội và khẳng định lại những việc làm của chủ đầu tư. “Với tình huống trên thì vấn đề đặt ra là chúng ta phải tiếp tục theo dõi, nghiên cứu. Chúng tôi có đề xuất Thủ tướng sớm ngồi lại xem xét vấn đề trên. Nếu thấy cần thiết, Thủ tướng có thể thành lập đoàn thanh tra để làm kỹ, làm rõ vụ việc trên quan điểm là xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Nên cho biết.
Dẫn báo cáo của UBND TP. Hà Nội đã nêu rõ việc chủ đầu tư dự án cao ốc đã xây vượt phép đến 16m và dù bị xử phạt, đình chỉ nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tái phạm. Do đó, có cần thiết để Thanh tra Chính phủ vào cuộc hay không? Ông Nên cho biết, hiện Văn phòng Chính phủ mới chỉ trình Thủ tướng về báo cáo của Hà Nội, chưa thể xem xét cụ thể, phân tích về những chi tiết sai phạm của chủ đầu tư dự án mà UBND Hà Nội đã chỉ ra.
“Sau khi xem xét, nếu thấy báo cáo này chưa đầy đủ hoặc hồ sơ sự việc có vấn đề thì Văn phòng Chính phủ sẽ đề xuất Thủ tướng lập đoàn thanh tra trước khi Thủ tướng có quyết định xử lý sau cùng”, ông Nên nhấn mạnh.
Về ý kiến cho rằng, Bộ Quốc phòng từng có báo cáo, ý kiến về chiều cao trong khi thực hiện dự án xây dựng cao ốc 8B Lê Trực, ông Nên cho biết, đến thời điểm này, Chính phủ chưa nhận được báo cáo của Bộ Quốc phòng về vấn đề trên. “Khi thủ tướng xem xét thì chắc chắn các đơn vị liên quan, trong đó Bộ Quốc phòng cũng sẽ có ý kiến”, ông Nên nhấn mạnh.