Chiều 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Ngoài ra, còn có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản như: Vingroup, Sungroup, Novalan, Hưng Thịnh Land…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị |
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ, thông điệp của hội nghị là chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo Thủ tướng, cũng như các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, thị trường bất động sản có lúc thuận lợi và lúc khó khăn, các doanh nghiệp có lúc lãi và có lúc lỗ, nhưng điều quan trọng nhất là cần phát hiện kịp thời các vấn đề nổi lên, các khó khăn, vướng mắc, đánh giá đúng nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, triển khai quyết liệt, hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ, một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra, trong đó có những vấn đề đã kéo dài hàng chục năm không thể xử lý trong "một sớm một chiều". Song tinh thần là rõ đến đâu xử lý đến đó, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng phân tích, đánh giá khách quan, trung thực tình hình thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ và thị trường bất động sản hiện nay; phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản, tập trung vào các vấn đề liên quan tới pháp lý, nguồn vốn, quy hoạch, tài chính, ngân hàng, thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền…
Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. |
Theo Bộ Xây dựng, trong quý II/2023, nguồn cung bất động sản, nhà ở vẫn hạn chế hoàn thành có 07 dự án với 2.424 căn (852 căn hộ; 1.572 căn nhà ở riêng lẻ), số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với Quý I/2023 và bằng khoảng 29.17% so với Quý II/2022, việc triển khai bị chậm hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc.
Về nguồn vốn tín dụng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng; nhiều lần hạ lãi suất điều hành, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng tăng cường tiết kiệm chi phí qua đó từ đầu năm đến nay lãi suất cho vay đã hạ từ 0,5-2% và cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp phản ánh lãi suất cho vay vẫn còn cao và còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Theo Bộ Xây dựng, đây là khó khăn, áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp trong việc bố trí dòng vốn để trả nợ.