Thủ tướng Chính phủ: Tạo mọi điều kiện cho Thủ đô phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội. Ảnh: VGP
TP - Chiều 28/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội. Đây được xem là cuộc làm việc cuối của lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 với Thủ đô Hà Nội.

Đề xuất quy hoạch sân bay 100 triệu khách/năm

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề xuất 5 kiến nghị quan trọng với Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Hà Nội đưa ra những đề xuất liên quan đến việc giải quyết một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị. Cụ thể, đối với vị trí ga C9 trong tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo), Hà Nội kiến nghị cho phép chấp thuận vị trí theo đúng dự án đầu tư và quy hoạch giao thông đã được phê duyệt.

Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, tháo gỡ vướng mắc về bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Thành phố cũng đề nghị Chính phủ thống nhất chủ trương trình Quốc hội phê duyệt đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; phê duyệt chủ trương đầu tư Tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc sử dụng vốn đầu tư công và nguồn vốn khác.

Để thực hiện đồng bộ, nâng cao tính khoa học, tính khả thi và thực tiễn khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành, Hà Nội đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn thành phố lên 40% - 60%; đồng thời cho phép nghiên cứu quy hoạch sân bay dân dụng thứ 2 tại địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách/năm; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị thành phố đặt trong mối quan hệ Vùng Thủ đô. Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện chính sách đặc thù để cải tạo chung cư cũ, giải tỏa những vướng mắc lớn kéo dài nhiều năm về vấn đề này.

“Đặc biệt tại đô thị trung tâm, hoàn chỉnh phát triển cân đối, hài hòa tương xứng Bắc sông Hồng với Nam sông Hồng, lấy trục không gian xanh sông Hồng làm trung tâm. Nghiên cứu cấu trúc thành phố trong thành phố và thị xã trong thành phố cùng mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ”, ông Chu Ngọc Anh nêu.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với thành phố, sớm xây dựng phương án, kịch bản SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 để Hà Nội được chủ động phương án phòng dịch COVID-19; thống nhất chủ trương phát triển đồng bộ các cầu qua sông Hồng; điều chuyển Vườn quốc gia Ba Vì về thành phố Hà Nội quản lý để đồng bộ trong quy hoạch.

Nâng cao hiệu quả quản lý đô thị

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng nhất trí quan điểm phát triển Hà Nội “xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương”, xây dựng thành phố năng động và hội nhập, thành phố kiến tạo phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi. Thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, Hà Nội cần tập trung, huy động của cả hệ thống chính trị và nhân dân để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII. Đặc biệt, Hà Nội cần tiên phong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống, dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Thủ tướng cũng đề nghị Hà Nội cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. “TP.HCM, Đà Nẵng đang xây dựng mô hình Trung tâm tài chính quốc tế, Hải Phòng có mô hình tăng trưởng mới, TP.HCM có thành phố Thủ Đức mới, “thành phố trong thành phố”, vậy Hà Nội có mô hình nào để đóng góp vào sự tăng trưởng?”, Thủ tướng đặt vấn đề. Thủ tướng đề nghị thành phố cần chú trọng hơn nữa việc phát triển các thành phố vệ tinh; mở rộng không gian thành phố về cả phía Bắc và phía Tây.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý Hà Nội cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Liên quan đến các kiến nghị của Hà Nội, Thủ tướng thống nhất chủ trương trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thủ đô phát triển. Liên quan đến việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Thủ tướng khẳng định, sẽ sớm có nghị định về vấn đề này để thành phố Hà Nội triển khai thực hiện.

Kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù cải tạo chung cư cũ

Theo ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 1.579 chung cư cũ, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử. Hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, xuống cấp nghiêm trọng; từ năm 2014 đến nay mới thực hiện cải tạo, xây dựng lại được 18 chung cư, tiến độ thực hiện chậm do có nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, về phương pháp tổ chức thực hiện. Chính quyền thành phố đề nghị Thủ tướng chấp thuận, chỉ đạo một số nội dung như cho phép thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về việc này.

MỚI - NÓNG