Các nguồn tin từ nội các Anh cho biết, bà May đang phải đối mặt với áp lực lớn từ nội các của mình để tránh một triển vọng trì hoãn Brexit lâu dài trong bối cảnh những dự đoán ngày càng gia tăng về các đàm phán của bà với Công đảng đối lập không tạo ra một kết quả cụ thể nào.
Trước phiên họp thượng đỉnh quan trọng của EU cuối tuần này, bà May đang trăm mối tơ vò khi thỏa hiệp với Công đảng đối lập chưa có kết quả, lại thêm chính nội các của mình có nhiều người dọa từ chức nếu Anh ra đi không thỏa thuận vào ngày 12/4.
Theo các điều khoản về việc kéo dài thêm thời hạn trước đây đã được EU đồng ý, nếu Brussels không đồng ý cho Anh trì hoãn thêm lần nữa, Anh sẽ phải ra đi không thỏa thuận vào ngày 12/4. Nếu Anh đạt được Brexit có thỏa thuận trước ngày 12/4, Brussels sẽ cho Anh trì hoãn thêm 1 năm, dù bà May chỉ đề nghị tạm trì hoãn tới ngày 30/6.
Ngày 8/4, nhà đàm phán Brexit chính của EU Michel Barnier sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với người đứng đầu chính phủ Ireland Leo Varadkar. Cuối tuần qua, ông Varadkar cho biết, ông muốn có một sự gia hạn dài hơn thời điểm 30/6.
Trong khi đó, cũng ngày 8/4, các nghị sỹ Anh sẽ có cuộc gặp gỡ để bàn về vấn đề Ireland. Họ cho rằng, các lợi ích của Ireland cần phải được bảo vệ cho dù kết quả các cuộc đàm phán của ông về Brexit với Thủ tướng Anh Theresa May sẽ diễn ra như thế nào.
Tuy nhiên, các nguồn tin từ nội các ủng hộ Brexit cho biết, việc trì hoãn lâu dài sẽ gây ra một thảm họa khủng khiếp. Họ cho rằng, một sự trì hoãn lâu dài cũng có nghĩa là Anh phải tham gia cuộc bầu cử nghị viện châu Âu, điều này sẽ khiến Anh bị ràng buộc lâu dài với EU hơn. Theo họ, cũng sẽ là sai lầm nếu ra đi không thỏa thuận.
Ngày 7/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng minh chủ chốt của Anh cho rằng, một sự gia hạn lâu dài là cần thiết để Anh có thể thực sự chỉ ra điều mình thực sự mong muốn.
Cùng ngày, bà May cũng đã công khai cảnh báo với các bộ trưởng và chống lại một sự trì hoãn lâu dài. Bà May cho biết, bà đang tiếp tục đàm phán với Công đảng Anh và hy vọng hai bên sẽ có những thỏa hiệp để thỏa thuận của bà được Hạ viện Anh thông qua.
Trong khi đó, Andrea Leadsom,lãnh đạo tại Hạ viện Anh cho BBC biết rằng, ra đi không thỏa thuận là hợp lý hơn cả.
Không có gì thực sự thay đổi
Các nguồn tin từ nội các Anh cho biết, bà May vẫn nói những điều như cũ mà không có dấu hiệu của một tiến triển nào, vì vậy họ không biết kế hoạch tiếp theo sẽ là gì. Một nguồn tin khác lại cho rằng, âm mưu tại hội nghị thượng đỉnh Brussels dường như đã rõ ràng. Đó là bà May sẽ nhận một kết quả đắng và việc ra đi sẽ bị trì hoãn lâu dài.
Khi nói về các cuộc đàm phán gần đây giữa bà May và Công đảng đối lập, cả hai bên đều cho rằng có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên Trưởng nhóm chính sách kinh doanh của Công đảng, Rebecca Long- Bailey cho rằng, cho đến nay vẫn không có thay đổi thực sự trong thỏa thuận của bà May.
Trả lời BBC, bà Rebecca nói: “Tôi nghĩ rằng cả hai bên đều cam kết làm việc tích cực với nhau để thỏa hiệp càng nhiều càng tốt, sao cho chúng ta có thể đưa ra một thỏa hiệp Brexit mà tôi nghĩ rằng quốc hội Anh đã cần nó một cách tuyệt vọng ở thời điểm này”.
Bà Shami Chakrabarti, trưởng nhóm chính sách pháp lý của Công đảng Anh thẳng thừng cho biết trên Sky News: “Khó có thể hình dung ra rằng hiện nay chúng ta đang đạt được một tiến bộ thực sự nếu không có một cuộc tổng tuyển cử hay một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về bất kỳ thỏa thuận nào mà bà ấy có thể được Hạ viện thông qua’.
Một vướng mắc lớn hiện nay dẫn đến hai bên chưa thỏa hiệp được là vấn đề liên minh thuế quan EU.
Bà May đã phản đối việc ở lại liên minh thuế quan châu Âu vì cho rằng, điều này có nghĩa là Anh không thể đảm bảo các thỏa thuận tự do thương mại với các nước khác. Đây chính là mấu chốt trong chiến lược Brexit của bà nhằm tạo ra một Bộ Thương mại cho chính quyền mới. Nhưng đây lại chính là điều mà Công đảng Anh không đồng ý, vì cho rằng, việc ra khỏi Liên minh thuế quan châu Âu sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh.
Trong một video mới nhất của mình, bà May đã giải thích lý do tại sao bà phải theo đuổi các cuộc đàm phán về Brexit với các đảng đối lập: “Tôi nghĩ rằng, chính phủ Anh cũng nghĩ rằng, chúng ta nhất định phải rời khỏi Liên minh châu Âu... Điều này có nghĩa rằng, chúng ta cần phải có một thỏa thuận được thông qua”.