Bà May nói trong một cuộc họp với các nghị sỹ đảng Bảo thủ rằng, bà sẽ từ chức nếu kế hoạch “ ly hôn” của bà cuối cùng được thông qua bởi Hạ viện đang chia rẽ sâu sắc nhằm đảm bảo một con đường thuận lợi cho một lãnh đạo mới bắt đầu bước tiếp theo đàm phán về mối quan hệ tương lai với Liên minh châu Âu (EU).
Bà May nói: “ Tôi đã hiểu rất rõ tâm trạng của Hạ viện. Tôi hiểu có một khát vọng về một sự tiếp cận mới và một vị lãnh đạo mới ở giai đoạn 2 của các đàm phán Brexit và tôi sẽ không đứng trên con đường đó nữa”.
Tuyên bố của bà May là sự thay đổi quan trọng cuối cùng trong cuộc khủng hoảng Brexit kéo dài gần ba năm qua. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa rõ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ diễn ra như thế nào và bao giờ.
Nhiều nghị sỹ nổi loạn trong đảng Bảo thủ của bà May muốn có một sự ra đi sạch sẽ hơn so với thỏa thuận của bà May và họ khẳng định sẽ ủng hộ thỏa thuận của bà nếu bà đưa ra một cam kết chắc chắn và một thời hạn từ chức.
Để giành được sự ủng hộ cần thiết cho việc thông qua thỏa thuận của mình, bà May đã hứa sẽ từ chức trước cuộc bầu cử tiếp theo, dự kiến là vào năm 2022. Bằng việc chấp nhận ra đi sớm hơn, bà May đã tăng cơ hội cho thỏa thuận của mình được thông qua trước hạn chót 12/4.
Theo một số đoạn trích được phát đi từ văn phòng của thủ tướng, bà May nói: “Tôi đã chuẩn bị cho việc rời bỏ công việc của mình sớm hơn dự định để làm điều gì đúng cho đất nước của tôi và cho đảng của tôi. Tôi đề nghị mọi người trong phòng này hãy ủng hộ thỏa thuận của tôi sao cho chúng ta có thể hoàn thành trách nhiệm lịch sử của mình, để thực hiện quyết định của người dân Anh và rời Liên minh châu Âu một cách êm đep và có trật tự”.
Chính phủ của bà May dự định sẽ đưa thỏa thuận “ly hôn” ra bỏ phiếu tại Hạ viện lần 3 vào ngày thứ Sáu.
Nghị sỹ đảng Bảo thủ Pauline Latham cho biết: “ Đây là điều không thể tránh khỏi và tôi cảm thấy rằng bà ấy đã đưa ra quyết định đúng đắn. Bà ấy đã thực sự “ đọc” được tâm trạng của đảng mình. Đây là điều khá ngạc nhiên.”
Thỏa thuạn của bà May có nghĩa là Anh sẽ rời khỏi thị trường riêng và liên minh thuế quan của EU cũng như các thể chế chính trị khác của EU. Tuy nhiên, nó đòi hỏi một số quy định EU phải áp dụng trừ phi những phương thức có thể được tìm thấy trong tương lai đảm bảo không đường biên giới nào được tái dựng lại giữa Bắc Ireland ( thuộc Anh) và cộng hòa Ireland ( thuộc EU).
Nhiều nghị sỹ nổi loạn trong đảng Bảo thủ của bà May đã phản đối cái gọi là chốt chặn cuối Ireland ( đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và cộng hòa Ireland). Họ cho rằng, điều này có nguy cơ ràng buộc Anh với EU nhiều năm nữa. Tuy nhiên giữa lựa chọn chốt chặn cuối và Brexit không thỏa thuận, dường như họ vẫn còn vòng vo.
Một số người bất đồng chính kiến trong đảng Bảo thủ đã chỉ ra rằng, họ sẽ ủng hộ thỏa thuận của bà May, đồng ý sau hai năm đàm phán với EU và cho biết đây là sự lựa chọn tồi tệ nhất.
Thỏa thuận của bà May đã được EU chấp thuận, nhưng lại thất bại sau hai lần bỏ phiếu tại Hạ viện (cuộc bỏ phiếu ngày 15/1 và 12/3).
Trong khi tại phòng họp của Ủy ban Quốc hội, bà May nói chuyện với các nghị sỹ của đảng mình về ý định sẽ từ chức, thì ở phòng họp chính các nghị sỹ đang tranh luận về 8 lựa chọn Brexit gồm ra đi ngay lập tức mà không có thỏa thuận, kích hoạt điều khoản 50, tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần 2.
Một số lựa chọn đang được đặt lên bàn để cân nhắc xem phương án nào tiếp cận gần hơn với EU so với thỏa thuận của bà May, trong đó có lựa chọn vẫn ở lại thị trường chung hoặc liên minh thuế quan.
Các nghị sỹ Anh sẽ bỏ phiếu vào lúc 19 giờ ngày 28/3 ( tức 2 giờ sáng 29/3 giờ Hà Nội) với nhiều đề nghị hơn so với họ mong muốn. Kết quả được công bố sau 21 giờ ( tức sau 4 giờ sáng 29/3).
Theo kế hoạch ban đầu, Anh sẽ rời Eu vào ngày 29/3 nhưng tại cuộc họp thượng đỉnh EU tuần trước, các lãnh đạo EU đã đồng ý cho Anh kéo dài thời gian “ly hôn” tới ngày 12/4.