Thủ tướng Anh Liz Truss |
Trong bối cảnh thị trường tài chính chao đảo, bà Truss nói rằng bà chấp nhận rằng kế hoạch của chính phủ về cắt giảm thuế không hỗ trợ đã “đi xa hơn và nhanh hơn” nhận định của các nhà đầu tư.
“Hôm nay tôi đã hành động dứt khoát vì ưu tiên của tôi là bảo đảm ổn định kinh tế cho đất nước. Tôi muốn thành thực, đây là việc khó. Nhưng chúng ta sẽ đi qua cơn bão này”, bà Truss nói tại cuộc họp báo tại Phố Downing.
Đồng bảng và trái phiếu Chính phủ Anh biến động mạnh sau phát biểu của Thủ tướng Truss. Các nhà kinh tế học và giới đầu tư cho rằng việc bà đảo ngược kế hoạch giảm thuế trị giá 20 tỷ bảng vẫn chưa đủ để khôi phục ổn định.
Nước Anh đang chìm trong khủng hoảng chính trị tương tự cuộc chiến công nghiệp trong những năm 1970, sự sụp đổ của đồng bảng trong đầu những năm 1990 và giai đoạn hỗn loạn hậu Brexit. Từ khi Anh bỏ phiếu chọn cách rời khỏi Liên minh châu Âu năm 2016, ba thủ tướng đã ra đi và nước này đánh mất uy tín như một thành viên dễ đoán của trật tự kinh tế quốc tế.
“Việc này cho thấy lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, ít nhất kể từ những năm 1990, thị trường tài chính buộc chính phủ của một nước lớn phải đầu hàng trước những tham vọng tài chính”, các nhà phân tích tại hãng tư vấn Evercore đánh giá.
Trước khi có bài phát biểu, bà Truss đã sa thải bộ trưởng tài chính và cũng là người bạn thân, ông Kwarteng, sau khi ông vội trở về từ London từ cuộc họp của IMF ở Washington (Mỹ), nơi những biến động mạnh gần đây của Anh trở thành một nội dung chính được bàn đến.
Để thay thế ông, bà Truss bổ nhiệm ông Jeremy Hunt, cựu bộ trưởng y tế và ngoại giao và là người đã ủng hộ đối thủ Rishi Sunak của bà trong cuộc chạy đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ vừa qua. Ông Hunt là bộ trưởng tài chính thứ tư của Anh trong mấy tháng qua, khi hàng triệu người dân đang chật vật với khủng hoảng giá tiêu dùng.
Ông Kwarteng trở thành bộ trưởng tài chính tại nhiệm ngắn nhất kể từ khi một bộ trưởng tài chính đột tử năm 1970.
Vị thế của bà Truss cũng đang bị đe doạ.
Tháng trước, bà chiến thắng để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ với lời hứa sẽ cắt giảm thuế mạnh và giảm bớt những quy định mà bà cho rằng đang kìm hãm nền kinh tế. Chính sách mới mà ông Kwarteng đưa ra vào ngày 23/9 là để thực hiện tầm nhìn đó.
Tuy nhiên, những phản ứng dội ngược từ thị trường mạnh đến mức Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp để ngăn nguy cơ các quỹ lương hưu rơi vào hỗn loạn, chi phí vay và thế chấp ngân hàng cũng tăng mạnh.
Các cuộc thăm dò cho thấy ủng hộ dành cho đảng Bảo thủ đã sụp đổ, gây ra sự hoảng loạn trong chính đảng lớn của Anh và lại mở đường cho việc tìm cách buộc bà Truss phải rời nhiệm sở.