Tại Hội thảo khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” sáng 13/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Nam Á.
Các đô thị ở Việt Nam đóng góp khoảng 70% tổng GDP, là động lực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Xác định được tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, chỉ đạo quan trọng liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
“Với những chủ trương, đường lối, chính sách đó, lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 859 đô thị, tăng thêm 57 đô thị so với năm 2016. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 39,3% tăng 3,6% so với năm 2015. Tỷ lệ dân đô thị được cung cấp nước sạch tăng từ 76% (năm 2010) lên 86%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 87,5%. Khu vực nông thôn cũng được quan tâm thích đáng, đến 99,4% diện tích được lập quy hoạch xây dựng. 100% tuyến đường chính, 90% tuyến đường nhánh và trên 65% đường ngõ xóm đã được chiếu sáng” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thực tế, trong quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, như: Việc ban hành chính sách pháp luật về phát triển đô thị còn chậm so với yêu cầu, chưa phủ hợp với thực tiễn; Lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội không theo kịp tốc độ phát triển, nhu cầu đầu tư dự án phát triển đô thị, nhà ở; Tính liên kết giữa các đô thị với nhau và với khu vực nông thôn chưa chặt chẽ; Cơ sở dữ liệu về phát triển đô thị hiện nay thiếu tính nhất quán, chưa được quản lý tập trung, liên thông đa ngành, dẫn đến thiếu cơ sở để rà soát, đánh giá thực hiện chính sách...
Chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế quản lý, phát triển đô thị; chồng chéo, thiếu thống nhất giữa cấp độ quy hoạch, phương án nguồn lực thực hiện quy hoạch chưa được tính toán cụ thể. Hệ thống đô thị phát triển nhanh về số lượng nhưng chủ yếu là đô thị nhỏ (loại IV, loại V), mật độ đô thị trong từng vùng Kinh tế- xã hội thấp, phân tán, chất lượng phát triển còn hạn chế”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.