Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: 'Chưa bao giờ lũ chồng lũ, bão chồng bão như vậy'

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: 'Chưa bao giờ lũ chồng lũ, bão chồng bão như vậy'
TPO - Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 30/10, phóng viên nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi xoay quanh đến vấn đề lũ lụt ở miền Trung hiện nay. Đại diện ba Bộ đã lần lượt trả lời, làm rõ những vấn đề liên quan.

Ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ứng phó với thiên tai, bão lũ, Chính phủ đã có giải pháp cho công trình nhà ở “ba cứng”: Sàn cứng, tường cứng và mái cứng, hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ xảy ra.

Với lũ lụt, Chính phủ đã có chương trình nhà ở vượt lũ cho miền Trung, với 3 nghìn căn nhà, và tới đây Bộ Xây dựng sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhân rộng mô hình này, tính khả thi cao.

Còn với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ông Hùng khẳng định, không công trình nào chịu đựng được. Để ứng phó với những hiện tượng này, buộc phải tiến hành rà soát, có hướng dẫn cụ thể để người dân sớm nhận được chỉ dẫn, cảnh báo, kịp thời di dời.

Trả lời câu hỏi liên quan, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Lê Công Thành cho rằng, đợt thiên tai lũ lụt ở miền Trung vừa qua khốc liệt hơn trận lũ lịch sử năm 1999. Cơn bão số 9 mạnh nhất 20 năm qua, mưa lớn kéo dài và lớn hơn năm 1999. Tuy nhiên, bằng sự chủ động vào cuộc từ sớm, mức hiệt hại chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 1999.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: 'Chưa bao giờ lũ chồng lũ, bão chồng bão như vậy' ảnh 1 Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Nhân tai có làm tăng thêm yếu tố thiên tai không? Theo ông Thành, việc này luôn được các chuyên gia địa chất đánh giá. Nguyên nhân chính được xác định, khu vực miền Trung đồi núi cao, thân cắt, nhiều đất đá bị đập vỡ, nứt nẻ, mưa lâu ngày gây ra lực lớn kéo xuống. Cùng với đó, việc mở đường, san ùi mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có nhà máy thủy điện cũng làm mất ổn định sườn sốc, trở thành những nguyên nhân kích hoạt, dẫn tới thiên tai xảy ra.

Còn tình trạng mất rừng, theo ông Thành, phải đánh giá trong từng trường hợp cụ thể. Như ở Yên Bái trước đây đã xảy ra sạt lở đất kinh hoàng ngay ở rừng nguyên sinh.

Về tác động của thủy điện nhỏ, theo ông Thành, các dự án này luôn được đánh giá tác động đến rừng, dòng chảy… Luật Lâm nghiệp đã có quy định chặt chẽ trong việc chuyển đổi đất rừng nói chung, trong đó có đất làm thủy điện.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: 'Chưa bao giờ lũ chồng lũ, bão chồng bão như vậy' ảnh 2 Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, chỉ trong 20 ngày đã xảy ra 4 cơn bão, chưa bao giờ lũ chồng lũ, bão chồng bão như vậy. Đặc biệt, năm nay có nhiều cơn bão lớn tập trung ở miền Trung. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng đã cảnh báo sớm, người dân cơ bản biết thông tin, đồng thời cả hệ thống chính trị cũng vào cuộc sớm.

Thực tế cho thấy, một số nơi có diện ngập lớn, thậm chí lụt cả tới tầng 2, như ở Lệ Thủy, Quảng Bình, có nhà ngập tới 6,3 mét, vượt so với trận lũ lịch sử trước đây. Trong thời gian mưa lũ, lực lượng công an, quân đội tham gia tích cực, nhiều đồng chí đã hi sinh, bị thương. Theo ông Hiệp, trong thời gian lũ lụt, nhiều chiến sĩ cơ bản không ngủ, rất vất vả. Nhưng với tình hình này, phải có lực lượng chuyên nghiệp hơn, trang bị hiện đại hơn, như vậy mới cứu hộ nhanh, an toàn.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.