Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói về giải pháp vực dậy động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết đã tham mưu một số giải pháp để vực dậy động lực tăng trưởng ở một số địa phương như TP.HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói về giải pháp vực dậy động lực tăng trưởng ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung. Ảnh: Nhật Minh

Tập trung tháo gỡ các dự án bị vướng mắc

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, phóng viên nêu câu hỏi về giải pháp để vực dậy tăng trưởng kinh tế của một số địa phương có quy mô sản xuất lớn, nhưng lại tăng trưởng thấp trong quý I như TP.HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên... trong các quý tiếp theo?

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Thành Trung cho biết, quý I/2023 có mức tăng trưởng rất thấp. Động lực tăng trưởng suy giảm do công nghiệp chế biến chế tạo, các trung tâm sản xuất công nghiệp, xây dựng bị ảnh hưởng; cùng với đó là suy giảm về tổng cầu, tổng mức bán lẻ, xuất nhập khẩu

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác, như TP.HCM, trước đây mỗi năm có 70 dự án phê duyệt, nhưng 2 năm qua, dự án dự án phê duyệt mới rất thấp. Vấn đề này có liên quan năng lực quản lý, cũng như việc không dám nghĩ, dám làm…

Trước vấn đề này, Bộ KH&ĐT tham mưu một số giải pháp để vực dậy động lực tăng trưởng, tìm thị trường, giữ vững sự phát triển khối doanh nghiệp, ổn định được lao động, tránh mất việc làm. Tháo gỡ khó khăn một số lĩnh vực lớn như tín dụng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường mới...

Cụ thể, trước hết cần nâng cao năng lực và chất lượng chỉ đạo điều hành, xử lý công việc. Đẩy mạnh kiểm tra giám sát, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và làm sao để cán bộ công chức dám nghĩ, dám làm.

Thứ hai là các địa phương phải đẩy mạnh đầu tư công. Đồng thời tháo gỡ các dự án đang tồn đọng để tạo động lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có dòng tiền, tiếp cận vốn tín dụng.

Ngoài ra, có các giải pháp hỗ trợ người dân như giảm, giãn, hoãn, thuế, lệ phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Vừa tạo việc làm, vừa tạo nguồn thu…

Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho hay, Thường trực Chính phủ đã làm việc với TP.HCM để làm sao từ tháng 4 trở đi tăng trưởng trở lại. “Tất cả các giải pháp đã bàn rất kỹ và sâu. Giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giảm lãi suất và tập trung vào mặt hàng như điện tử, gỗ, may mặc để thúc đẩy tăng trưởng”, ông Sơn thông tin.

Giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn

Liên quan đến vấn đề lãi suất, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này đã hai lần giảm lãi suất điều hành 0,3 - 1% một năm trong tháng 3 và 4. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất thị trường dần ổn định, tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất.

“Tại cuộc họp gần đây chúng tôi nhắc nhở các ngân hàng cho vay cao để có mặt bằng thống nhất chung trong hệ thống. Gần đây các nhà băng đã chủ động giảm lãi suất", ông Tú chia sẻ.

Theo ông Tú, bốn tháng qua đã có hai đợt giảm lãi suất từ các tổ chức tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động vừa qua đã giảm bình quân 1 - 1,2%; cho vay hạ 0,5 - 0,65%. Khối ngân hàng thương mại Nhà nước có mức giảm tốt hơn, 1-1,5% một năm với lãi suất huy động và cho vay giảm 1,5-2% một năm.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hiện bình quân lãi suất cho vay giảm về khoảng 9,56% một năm, thấp hơn 0,41% so với cuối 2022.

“Tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo sát các ngân hàng trong giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm”, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

MỚI - NÓNG