Nhắc đến thôn Bạch Xá, người dân tỉnh Hà Nam không còn nghĩ đến hình ảnh một vùng quê chiêm trũng nghèo khó như trước đây nữa. Bạch Xá giờ là một địa chỉ tin cậy chuyên cung cấp các đặc sản về rắn.
Chính nhờ loài bò sát không chân này mà cuộc sống của người dân Bạch Xá đang bước sang một trang mới, biến nhiều nông dân lầm lũi xưa nay dần trở thành tỷ phú.
Anh Nguyễn Kế Đông - người đầu tiên đưa rắn về làng nuôi từ năm 1990 - cho biết, ban đầu anh nuôi thí điểm 5 chuồng rắn hổ mang và hổ trâu, mỗi chuồng từ 35 - 40 con.
Những ngày đầu chân ướt chân ráo vào nghề, anh tự mày mò tìm tòi, học lỏm... nên số rắn sống được chỉ khoảng 65%. Tuy vậy công việc này cũng mang lại cho gia đình anh một khoản thu không nhỏ.
Anh cũng dần nhận thấy rằng rắn hổ mang, hổ trâu là loài ăn tạp, thức ăn của chúng chủ yếu là vịt con chết ngạt, trứng thối, cóc, nhái… mà nguồn thức ăn này trên địa bàn lại rất nhiều, dễ kiếm và rất rẻ.
Anh cũng phát hiện rắn rất ít bệnh tật, tương đối dễ nuôi trong diện tích không lớn, không đòi hỏi nhiều công chăm bẵm.
Từ số vốn thu lại ban đầu, anh mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình nuôi rắn của mình và hiện giờ anh đã là chủ của 3 trang trại với hơn 4.000 con rắn các loại và gần 1.000 con rắn bố mẹ đã qua chọn lọc, dùng để nhân giống phục vụ nhu cầu của gia đình và cung cấp con giống cho thị trường.
Cùng phát triển nghề nuôi rắn như anh Đông là bác Nguyễn Thế Sang. Dù mới chỉ nuôi rắn ba năm trở lại đây nhưng hiện bác có hơn 500 con rắn thương phẩm với trọng lượng trung bình đạt từ 1,5 - 2,5kg/con; trong đó có khoảng 260 con rắn chuẩn bị sinh sản.
Thời kỳ rắn chuẩn bị sinh sản người nuôi cần chú ý quan sát chúng kỹ hơn. |
Bác Sang chia sẻ: “Thấy các hộ trong thôn nuôi rắn và mang lại lợi nhuận cao, tôi mới nuôi được hơn 3 năm nay thôi nhưng đây là lứa đầu tiên. Nếu nó sinh sản đều thì chỉ cần bán con giống cũng thu lại vốn và có lời. Chưa tính đến số rắn chuẩn bị bán thịt và rắn mẹ”.
“Mỗi lứa rắn đẻ khoảng 20 quả trứng, nhưng đây là giai đoạn mà người nuôi phải đặc biệt quan tâm vì chúng không đẻ một lúc mà rải rác làm nhiều ngày. Chính vì vậy người nuôi rắn phải thường xuyên kiểm tra nếu không trứng sẽ bị hỏng”, anh Đông chia sẻ thêm kinh nghiệm nuôi rắn.
Rắn được nuôi theo mô hình trang trại của gia đình anh Đông. |
Cũng theo anh Đông, trứng rắn được ấp từ 52 - 53 ngày thì nở và tỷ lệ trứng nở đạt rất cao, khoảng 95%. Rắn thường đẻ trứng vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Thời gian này là lúc người nuôi rắn bận bịu nhất.
Theo người dân Bạch Xá, nghề nuôi rắn ở đây trừ đi các loại chi phí, rủi ro, người nuôi vẫn có lời lớn. Hiện nay toàn thôn Bạch Xá có 490 hộ thì đã có trên 300 hộ nuôi rắn thương phẩm và sinh sản.
“Rắn thương phẩm được các thương lái lái tìm đến tận nhà thu mua chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng trong tỉnh và Hà Nội. Cho nên người dân không phải lo đầu ra, hơn nữa nhu cầu thị trường ngày một “chuộng” loại đặc sản này. Vì vậy bà con chúng tôi dường như không cần lo đến khâu tiêu thụ”, ông Lương Văn Chuối chia sẻ.
Nghề nuôi rắn ở Bạch Xá đã giúp không ít hộ gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên hàng khá giả. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Nền thường được mọi người trong thôn gọi là “tay không bắt giặc”. Bà Nền từ một hộ nghèo nhất thôn hiện đã vững vàng kinh tế nhờ nuôi rắn.
Bà Nền vui mừng bước vào lứa rắn mới. |
Sau khi chồng mất vì bạo bệnh, bà tận dụng diện tích chuồng lợn cũ bỏ trống để xây 3 ô nuôi rắn. Lứa đầu trừ chi phí bà thu về hơn 60 triệu đồng. Tiếp tục mạnh dạn đầu tư xây thêm 10 ô nuôi rắn, hiện bà là người phụ nữ duy nhất trong thôn dám một mình làm nghề nuôi rắn.
Người nôn dân Bạch Xá những năm nay đang đổi đời nhờ nghề nuôi những chú bò sát không chân.
Theo Tình Nguyễn
Dân Trí