Người giữ hồn Then
Đêm mừng thọ cụ Kịt, cả núi rừng Pác Sào, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn rộn ràng tiếng đàn tính, vang vọng dàn xóc nhạc làm đất trời như rộng mở, huyền bí. Trong sắc phục cao quý của thầy Then, cụ Kịt vớ lấy cây đàn tính rồi ngón đàn lướt nhẹ trên phím và âm thanh từ quả bầu phát ra như ma lực, réo rắt, thiết tha khiến mọi người cùng trở về với quá khứ xa xăm.
Ngày ấy, 10/11/1922 (âm lịch), Mỗ Thị Kịt sinh ra trong gia đình bố là người Nùng, mẹ người Tày. Họ đã lần lượt “về trời” khi Kịt mới 7- 8 tuổi, Kịt phải ở nương nhờ trong nhà của anh trai, nhưng một năm sau đó, anh trai cũng mất tích trong một chuyến đi buôn gặp cướp dọc đường. Tuổi thơ mất mát, đau thương ấy đã giúp Kịt vươn lên mạnh mẽ, kiên cường như cây hồi, cây quế giữa đại ngàn Bình Gia.
Cụ Mỗ Thị Kịt |
Ngừng đàn, cụ Mỗ Thị Kịt tâm sự cùng chúng tôi: Thời niên thiếu, Kịt sống khá khép kín. Nhưng mỗi lần đi hội xuân, được nghe hát Sli, Lượn là mê. Nhất là các các buổi được chứng kiến thầy Mo, thầy Tào làm lễ giải hạn, chuộc hồn, sinh nhật cuốn hút, tạo sự đam mê mãnh liệt.
Đến năm 16 tuổi, Kịt tìm đến nhà thầy Then Triệu Thị Chứ ở xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia xin học nghề. Xinh đẹp, nết na, thông minh sáng dạ, Mỗ Thị Kịt được thầy Chứ yêu quý, tận tâm truyền dạy những làn điệu Then và trao cả bí quyết hành nghề.
Sau 10 năm miệt mài học hỏi, Mỗ Thị Kịt trở thành con dâu thảo hiền nhà thầy. Ba năm sau, khi thầy Chứ tạ thế, Then Kịt được kế nghiệp, trở thành “thủ lĩnh Then” của cả một vùng rộng lớn biên cương.
Là một “đệ tử” của Then Kịt, nghệ sĩ nhân dân Triệu Thủy Tiên, Phó Chủ tịch Hội bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn trải lòng: “Ngón đàn của Thầy Kịt như có ma lực, không phải ai cũng học được. Thầy Kịt thuộc lòng hàng vạn câu Then, có thể biểu diễn hát suốt ba ngày, ba đêm liên tục.
Đặc biệt hằng năm, vào dịp đầu xuân Tết Nguyên đán, thầy thường tổ chức Lẩu Then tại nhà để gợi nhớ tổ tiên, đoàn kết xóm làng. Mỗi dịp như vậy, bản trên, xóm dưới lại kéo đến nghe hát Then say sưa hết đêm này, qua đêm khác. Khi còn khỏe, hễ có gia đình nào có lời mời làm Then là thầy lên đường, không quản ngại đường xa, khó nhọc. Người ta quí thầy Kịt không chỉ bởi ngón đàn giọng hát điêu luyện mà họ ngưỡng mộ một cây đại thụ Then có tâm, có đức”.
“Lời Then cũng lên bổng xuống trầm như cuộc đời thầy. Nó lên rừng xuống biển, qua khe qua suối, cực nhọc lắm, gian truân nhiều. Dòng then của thầy Kịt có nhiều điều hết sức đặc biệt. Thầy là một trong những nghệ nhân tham gia thực hành Then từ khi còn trẻ tuổi, cho nên còn lưu giữ được nhiều nét cổ. 100 tuổi rồi mà vẫn hát tốt như thế, chứng tỏ Then có giọng hát đầy nội lực”, bà Thủy Tiên nói.
Hiện tại, cụ Kịt vẫn tiếp tục dẫn dắt, truyền dạy nhiều đệ tử trở thành thầy Then, thầy Tào giỏi. Danh sách học trò xin làm con nuôi của cụ cũng dày lên theo năm tháng…
Vợ chồng ông Pie (hàng sau, bên phải) học Then Tày ở Bình Gia, Lạng Sơn |
Con nuôi Then người Pháp
Hằng năm, ông Pierre Massei (SN 1945, thường gọi là Pie), sinh sống ở đảo Corse, nước Pháp hay về Việt Nam. Những lần như vậy, ông tìm đến huyện Bình Gia thăm quê ngoại, tìm hiểu về nguồn gốc nơi mình sinh ra và ông Pie đến ở nhà mẹ nuôi của mình là cụ Mỗ Thị Kịt.
“Ngày ấy, vào khoảng những năm 40 của thế kỷ trước, tôi và cô Hoàng Thị Phượng (dân tộc Tày), cùng trang lứa sinh sống cùng xã Tô Hiệu. Cô Phượng là người xinh đẹp nhất làng. Phượng hát Sli rất tốt, hay dạy cho tôi những điệu hát cổ. Thế là, Phượng lọt vào mắt xanh của quan cai quản đồn Bình Gia tên là Massei. Hai người yêu rồi lấy nhau, sinh liền 2 người con trai, trong đó có Pie”, cụ Kịt nhớ lại và kể.
Ông Nông Ngọc Tăng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bình Gia góp chuyện: Năm 1950 với những biến cố của lịch sử, gia đình ông Massei quyết định trở về Pháp, khi đó Pie mới 5 tuổi. “Năm 1992, sau khi mẹ mất được 6 năm ở đảo Corse, Pie tìm mọi cách trở về tìm quê ngoại ở Bình Gia. Nghe lời mẹ dặn, Pie đến thắp hương, tu bổ mộ phần của tổ tiên, ông bà và sắm lễ nhận Then Mỗ Thị Kịt làm mẹ nuôi, xin học những phong tục, tập quán của quê hương”, ông Nông Ngọc Tăng nói.
“Ở tuổi 100, cụ vẫn ghi nhớ, thuộc lòng hàng vạn câu Then, chứng tỏ Then “ngự” trong tâm hồn cụ rất mãnh liệt. Với công lao đóng góp lớn lao, cây đại thụ Mỗ Thị Kịt đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” (năm 2019) và năm 2021 nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa-Thể thao và Du lịch”.
Tiến sỹ Hoàng Văn Páo,
Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn
Cụ Mỗ Thị Kịt nhận xét: Pie rất chăm chú lắng nghe, ghi chép trình tự sinh hoạt, diễn tiến của Then. Ông ấy thương mẹ mình, yêu quý mảnh đất Việt Nam. Bản thân Pie mang trong mình dòng máu Việt nhiều hơn, bởi từ tính cách, suy nghĩ, tấm lòng đến gương mặt, mái tóc đen và luôn hướng về tâm linh người Tày.
Theo cụ Kịt, đến nay, Pie đã về thăm quê ngoại gần chục lần. Trong đó, năm 2015, vợ chồng người con nuôi Pháp này đã về Bình Gia dự đám cưới cháu ngoại của cụ Kịt. Mỗi lần như vậy, Pie xăng xái làm tất cả mọi thứ từ làm nương, nấu cơm và học Then.
“Năm 2010, Pie trình bày muốn tôi bốc cho một nắm đất cùng chút gạo nương quê xã Tô Hiệu để Pie mang về đặt móng nhà ở đảo Corse. Nhà hướng ra mặt biển, lưng tựa vào núi đảo và mô phỏng theo kiểu dáng nhà sàn người Tày Bình Gia. Nặng lòng với quê, trước khi trở về, Pie thường vận động gia đình, bạn bè trợ giúp những cơ sở, cá nhân ở Lạng Sơn đang gặp khó khăn”, cụ Kịt cho biết thêm.
Cụ Mỗ Thị Kịt (thứ 4 từ trái sang) trong Lễ mừng thọ 100 tuổi |
Năm nay, do đại dịch COVID-19, không thể đến tận nơi tham dự thượng thọ mẹ nuôi Mỗ Thị Kịt, ông Pie đã gửi quà cùng bức thư thắm thiết: “Con rất buồn và đáng tiếc vì không thể có mặt để chúc mừng sinh nhật lần thứ 100 của mẹ. Con muốn nói với mẹ rằng con vẫn thường nghĩ đến mẹ cũng như những người con, cháu của mẹ ở Bình Gia, những người đã tiếp nhận chúng con và giúp đỡ để con trở về quê mẹ…”.
Đêm 13/12 (tức 10 tháng 11 Tân Sửu), trời xanh thẫm có những ngôi sao li ti trên bầu trời. Khoảnh lặng trong ngôi nhà của Then Kịt gần hình như không có vì các “con nhang, đệ tử” cùng người thầy vĩ đại của họ đã làm nên một bữa tiệc Then say mê, cuốn hút, rộn ràng mừng thượng thọ cũng như chào đón Xuân Nhân Dần đang về…