Học hát then để khỏi quên tiếng Tày

Lớp học “Hát then đàn tính” tại xã Phúc Lộc (Ba Bể, Bắc Kạn)
Lớp học “Hát then đàn tính” tại xã Phúc Lộc (Ba Bể, Bắc Kạn)
Cả xã hầu như không có người biết chơi đàn tính, hát then, gần hết người trẻ chỉ nói với nhau bằng tiếng Kinh... là lý do để lớp học “Hát then đàn tính” thành lập tại xã Phúc Lộc (Ba Bể, Bắc Kạn)

Đã 2 tháng nay, 12 thành viên người dân tộc Tày Nùng tuổi 13-35 lớp “Hát then đàn tính ” luôn mong đến ngày cuối tuần để được gặp nhau ở nhà văn hóa xã, học đàn, tập hát. Trong lúc trào lưu sắm loa kẹo kéo hát karaoke nở rộ ngay trên miền núi thì các thành viên mong sao học được cách dạo nhạc thật nhanh để tự đệm và hát bài hát tiếng Tày đầu tiên trong đời.

Từ ghét đến say mê                   

“Ngày bé, mỗi lần tôi thấy bố mở nhạc đàn tính hát then tôi rất ghét. Sau này được nghe trực tiếp một người bạn đánh đàn tính tôi thay đổi hẳn. Thầm nghĩ lúc nào đó sẽ đi học đàn”, chị Triệu Thị Đào, người mở lớp và cũng là học viên tâm sự.

Năm 2018, chị Đào gia nhập Mạng lưới “Tiên phong vì tiếng nói của người dân tộc miền núi (do ISEE- Viện nghiên cứu Kinh tế, Xã hội, Môi trường tổ chức). Vì yêu đàn tính, hát then, với mong muốn giữ gìn đặc sản văn hóa của người Tày Nùng chị Đào đã viết đề án Sáng kiến Tiên Phong mở lớp “Hát then đàn tính”.  Với khoản kinh phí hỗ trợ từ mạng lưới, chị Đào đã tìm sang xã Bành Trạch (cùng huyện Ba Bể) để mời thày dạy và sắm 2 chiếc đàn tính cho lớp.

Ban đầu, một số em học sinh xin học chỉ vì tò mò, sau đó thấy thích thật sự. Có em học lớp 7, đến học thử thấy hay, rủ thêm bạn cùng lớp tham gia. Các bạn lứa tuổi 13, trẻ nhất lớp cũng là những người tiếp thu nhanh nhất. Sau 6 tuần họ có thể dạo nhạc và tự đệm đàn hát, trong khi các chị lớn tuổi hơn phải mất 8-9 tuần.

Mỗi cuối tuần, phóng xe 13 cây số từ nhà sang xã Phúc Lộc dạy đàn, anh Mã Trung Trực cho biết, nhiều người trẻ thờ ơ với đàn tính hát then nên anh thấy vui khi được dạy những lớp học như thế này. Anh Trung Trực chọn cách dạy truyền tay “dạy nốt nhạc trên đàn, dạy cách cầm đàn, cảm âm sẽ nhanh hơn dạy đọc bản nhạc”. Hầu như giới trẻ người Tày Nùng bây giờ đều nói tiếng Kinh nên thày trò giao lưu bằng tiếng phổ thông, tuy nhiên tất cả các bài hát đều bằng tiếng Tày. Trong quá trình học lời bài hát, nhiều bạn đã biết thêm từ mới tiếng Tày. Về nhà nghe ông bà, người lớn tuổi trò chuyện họ cũng hiểu nhiều hơn, “không như trước đây nghe tiếng mẹ đẻ chỉ hiểu lõm bõm”. Lớp học kéo dài 3 tháng, đặt mục tiêu các thành viên tốt nghiệp xong có thể biểu diễn đồng ca đàn hát. Chị Đào phấn khởi khoe “mới học được 2 tháng, chúng tôi đã được xã mời đi giao lưu văn nghệ”. Trước đây chỉ có văn công chuyên nghiệp mới tạo hình ảnh dàn đồng ca mặc áo dài nhung màu chàm ngồi duyên dáng gẩy đàn tính hát then thì nay những phụ nữ bình thường, làm nghề nông như chị Đào cũng có thể làm được điều này.

Sự trở về thuận tự nhiên

Thế hệ cô dâu chú rể 8X, 9X người Tày Nùng ở huyện Ba Bể hầu như đều mặc váy cưới và comple như người thành phố. Chị Triêu Thị Đào kể “Mấy năm trước, ngày cưới tôi cũng mặc váy trắng bồng bềnh. Thủ tục cưới thì nửa Kinh nửa Tày. Lễ ăn hỏi nhà trai chuẩn bị có chút khác so với người dưới xuôi là có thêm gà chân đỏ, 10 mét vải chàm”. Ở các tiệm trang phục cưới chỉ có váy và áo dài hoa cài kiểu mới vì thế cô dâu chú rể miền núi không có lựa chọn khác. Gần đây trong một lần đi ăn cưới ở xã bên, chị Đào bất ngờ khi nhìn thấy cô dâu chú rể mặc đồ truyền thống của người Tày “Ngắm bộ áo dài vải thô màu chàm của cô dâu tôi xúc động chảy nước mắt”. Chị Đào mong ước sau lớp “Hát then đàn tính” sẽ có cơ hội thực hiện dự án mới khi đề xuất sáng kiến giữ gìn phong tục “Cô dâu mặc áo dài truyền thống Tày Nùng”.  

Nói về trào lưu “trở lại với vẻ đẹp truyền thống”, anh Mã Trung Trực nhận xét “Gia đình tôi có nghề làm đàn tính, cho thuê trang phục truyền thống Tày Nùng, mấy năm gần đây cũng đông khách hơn. Tôi mở lớp dạy đàn tính hát then tại nhà đã đào tạo được hàng trăm người. Đó là dấu hiệu đáng mừng”.

Trong gia đình anh Trực có cha làm nghề thầy cúng, giỏi đàn tính hát then. Anh Trực lớn lên không theo nghề làm thầy cúng của cha, nhờ thừa hưởng năng khiếu nhạc nên anh mở xưởng chế tác đàn và dạy đàn hát. Trong quá trình làm nghề anh Trực đã sưu tầm được nhiều bài hát tiếng Tày, sáng tác và có ý thức dịch nhiều bài hát tiếng Việt sang tiếng Tày. “Sau một khóa học với thày Trực, nhiều người nói sõi tiếng Tày nhờ hát then”.

Cả anh Mã Trung Trực và chị Triệu Thị Đào đều hy vọng, mỗi thành viên từ lớp “đàn tính hát then” sau này trở thành người truyền nghề kế tiếp trong nhóm bạn, người thân và cộng đồng của họ.

MỚI - NÓNG