Thủ khoa xuất sắc, thạc sĩ giỏi trượt vị trí công chức nào?

Thủ khoa xuất sắc, thạc sĩ giỏi trượt vị trí công chức nào?
Năm 2015, tỉ lệ gần 50% thủ khoa, thạc sĩ loại giỏi “không đạt” trong kỳ sát hạch, kiểm tra là con số cao nhất kể từ khi Hà Nội áp dụng chính sách tuyển dụng đối với những đối tượng đặc biệt.

Ở những năm trước đó, tỉ lệ và số lượng trượt của đối tượng này thấp hơn nhiều.

Đầu tháng 9/2013, Hà Nội công bố kết quả sát hạch cho 43 thí sinh diện xét tuyển đặc cách (không qua thi) cho thấy có đến 14 thí sinh “không đạt yêu cầu” (trong đó 9 thí sinh có điểm không đạt và 5 thí sinh bỏ sát hạch). Trong 9 thí sinh “không đạt” có 5 thủ khoa và 4 thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi của nước ngoài.

Có điều trùng lắp đáng chú ý, cả 4 thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi của nước ngoài không đạt điểm đều học ngành Quản trị kinh doanh và đều có số điểm kiểm tra, sát hạch rất thấp (35 điểm; 30 điểm; 34,3 điểm; 36,7 điểm/ thang điểm 100).

Năm 2014, Sở Nội vụ Hà Nội tiếp nhận tổng số 3.850 hồ sơ đăng ký, trong đó có 41 trường hợp đăng ký xét tuyển đặc biệt.

Trong số 41 thí sinh đăng ký xét tuyển chỉ có 39 trường hợp đến dự sát hạch, trong đó có 10 trường hợp không đỗ vòng sát hạch, gồm 6 thủ khoa đại học trong nước, 4 trường hợp là thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc nước ngoài.

Theo một khảo sát được Thành đoàn Hà Nội đưa ra, kết quả khảo sát nguyện vọng công tác sau khi ra trường của các thủ khoa hai năm 2013, 2014 cho thấy xu hướng muốn được làm việc trong các cơ quan nhà nước tăng cao.

Cụ thể, năm 2013 (123 thủ khoa) thì tới 65 người có nguyện vọng đi làm tại các cơ quan nhà nước, 30 người muốn làm cho các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài.

Năm 2014 (132 thủ khoa), số có nguyện vọng đi làm tại các cơ quan nhà nước tăng lên 70, số người muốn làm cho các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài giảm xuống 15.

Thủ khoa, thạc sĩ trượt những vị trí nào?

9 thí sinh “không đạt” của năm 2013 gồm 5 thủ khoa các trường đại học trong nước, dự tuyển vào các vị trí như: Thủ khoa ngành Tài chính – Ngân hàng dự tuyển Sở Tài chính; Thủ khoa ngành Kế toán dự tuyển vào Sở Công Thương; Thủ khoa ngành Tin học trắc địa dự tuyển vào Sở TT&TT; Thủ khoa ngành Công tác xã hội dự tuyển vào Sở LĐ,TB&XH; Thủ khoa ngành Tài chính doanh nghiệp dự tuyển vào Sở LĐ TB&XH...

Năm 2015, nhìn vào bảng kết quả kiểm tra, sát hạch, một số người “tinh ý” cho rằng đa phần thủ khoa, thạc sĩ trượt ở những vị trí lâu nay vẫn được cho là “ngon ăn”.

Ví dụ như một thủ khoa xuất sắc ngành kinh tế không đạt khi dự tuyển vào Đội Quản lý thị trường số 6, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội; Thủ khoa xuất sắc ngành Luật Kinh doanh không vào được Phòng Đăng ký kinh doanh số 1, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thủ khoa ngành Tài chính – Ngân hàng không trúng tuyển vào Phòng Thanh tra 5, Thanh tra Thành phố; Thủ khoa xuất sắc ngành Kỹ thuật công trình xây dựng không trúng tuyển vào Đội Thanh tra chuyên ngành 1 – Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội; Tốt nghiệp đại học xuất sắc ở nước ngoài cũng không thể đạt yêu cầu để được tuyển dụng vào Đội Thanh tra Xây dựng Quận Nam Từ Liêm và Đội Thanh tra Xây dựng quận Hoàn Kiếm, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội; Hai cử nhân tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài ngành Quản trị kinh doanh và Kinh tế quản lý trượt vị trí ở Thanh tra và Phòng Tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư…

Công chức ở các quận cũng là những vị trí mà thủ khoa, thạc sĩ khó với tới. Thủ khoa xuất sắc ngành cấp thoát nước không vào được Phòng Quản lý Đô thị, quận Hai Bà Trưng; Hai thủ khoa ngành Kỹ thuật cơ khí và Công nghệ Kỹ thuật cơ khí không vào được phòng Kinh tế, Quận Thanh Xuân; Thủ khoa xuất sắc ngành Tài chính – Ngân hàng không đạt vị trí công chức của Phòng Tài chính – Kế hoạch, Quận Bắc Từ Liêm; Tốt nghiệp ngành Y đa khoa loại giỏi ở nước ngoài đạt điểm rất thấp khi dự tuyển vào vị trí Quản lý Nhà nước về Dân số KHHGĐ, Phòng Y tế, Quận Nam Từ Liêm…

Với các thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở nước ngoài, những vị trí họ dự tuyển nhưng “không đạt” gồm có: Vị trí ở Phòng Đô thị, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ; Văn phòng HĐND - UBND Quận Bắc Từ Liêm; Phòng Hợp tác quốc tế, Sở Ngoại vụ; Phòng Tổng hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư…

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.