Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì:

Thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển

Thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển - Khu du lịch Tây Thiên, Tam Đảo. Ảnh: Như Ý.
Thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển - Khu du lịch Tây Thiên, Tam Đảo. Ảnh: Như Ý.
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, ông Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, từ một địa phương thuần nông, khó khăn, sau 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng giải pháp quan tâm và giải quyết ngay các khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh…

Thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh

Từ một địa phương thuần nông, đến nay Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tỉnh đã có những cơ chế, chính sách gì để thu hút nhà đầu tư như vậy?

Khi mới tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc là tỉnh nghèo và có nhiều khó khăn. Là địa phương có diện tích tự nhiên nhỏ trong đó chủ yếu là trung du và miền núi; nghèo về tài nguyên khoáng sản; là tỉnh thuần nông, ngành công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển; số lượng doanh nghiệp ít…

Tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cùng với sự quyết tâm, phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, sau 20 năm tái lập, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế- xã hội.

Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, trong đó coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng giải pháp quan tâm và giải quyết ngay các khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là việc thành lập cơ quan chuyên trách Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc (IPA) nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; ban hành các giải pháp cụ thể, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lớn...

Do đó, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tăng cao, năm 1998 toàn tỉnh chỉ có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI. Đến nay đã thu hút được 884 dự án, gồm 231 dự án FDI với số vốn đăng ký 3,56 tỷ USD và 653 dự án DDI với số vốn đăng ký gần 56,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có 55% dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Hôm nay (27/12), tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với khoảng 500 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia.

Luỹ kế đến tháng 12/2016, tỉnh đã thu hút 230 dự án FDI với hơn 3,5 tỷ USD, ông có thể cho biết những chính sách xúc tiến thương mại đầu tư để tỉnh thu hút được lượng doanh nghiệp nước ngoài lớn như vậy?

Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp như: Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là cải cách các thủ tục hành chính; hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp... Môi trường đầu tư và kinh doanh thường xuyên được cải thiện và được các nhà đầu tư đánh giá cao, nhiều năm liền Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc nằm trong top đầu của cả nước.

Tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư và sản xuất ra những sản phẩm chủ lực, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách tỉnh, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh như: Công ty Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio, Deawoo bus, tập đoàn Prime, thép Việt Đức,... 

Thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển ảnh 1

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì.

Phát triển y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội

Cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh đã có chính sách gì để phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thưa ông?

Thông qua Chương trình khuyến công, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ đào tạo, truyền nghề, xây dựng các mô hình trình diễn,… giúp các làng nghề bảo tồn và phát triển. Đến nay, hầu hết các làng nghề đều phát triển mạnh, phát huy tiềm năng, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều làng nghề truyền thống đã khẳng định được vị thế trên thị trường như: làng nghề rắn Vĩnh Sơn; làng nghề đá Hải Lựu; các làng nghề mộc ở Thanh Lãng, Bích Chu… Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn, chuyển từ lao động nông nghiệp sang làm nghề với mức thu nhập tăng cao.

Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, các lĩnh vực giáo dục, y tế của tỉnh cũng được đánh giá cao. Ông có thể chia sẻ thêm về sự quan tâm của tỉnh dành cho lĩnh vực y tế - giáo dục, an sinh xã hội?

An sinh xã hội là một trong những nền tảng của phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế luôn được tỉnh quan tâm đầu tư. Đến nay, tổng số giường bệnh tuyến tỉnh và tuyến huyện là 3.010 giường bệnh, đạt tỷ lệ 29,3 giường bệnh/vạn dân, tăng 20,4 giường/vạn dân so với năm 1997. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân đã được nâng lên.

Song song với đó, ngành giáo dục và đào tạo đã không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh. Việc phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở được khẳng định là chủ trương đúng và đạt kết quả tốt; tỷ lệ học sinh sau Trung học cơ sở vào hệ bổ túc trung học phổ thông - nghề đạt 27%.

Năm 2020 cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị

Tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh là rất lớn, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, không có mặt bằng sạch để đầu tư… Tỉnh đã có chính sách gì để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để phát triển ngành du lịch này?

Vĩnh Phúc có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội... Những năm qua, tỉnh đã thu hút được một lượng lớn du khách, doanh thu từ các hoạt động du lịch tăng từ 5,1 tỷ đồng năm 1997 lên gần 1.300 tỷ đồng năm 2016. Tuy nhiên, tỉ trọng dịch vụ trong GRDP còn thấp. Ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để khai thác lợi thế du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan nghiên cứu lịch sử văn hoá và du lịch sinh thái kết hợp với tâm linh..., Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011-2020 nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về du lịch của tỉnh. Tỉnh đã và đang chỉ đạo hoàn thiện đồng bộ hệ thống quy hoạch phát triển về du lịch; đồng thời khai thác hiệu quả từ các khu du lịch đã có như Tam Đảo 1, Đại Lải, Đầm Vạc, Tây Thiên; khởi công xây dựng Khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2; chuẩn bị các điều kiện xây dựng Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường; tiếp tục tích cực kêu gọi nhà đầu tư vào khu du lịch nghỉ dưỡng đầm Sáu Vó, dự án tổ hợp vui chơi giải trí Future Land, dự án khu vực hồ Vân Trục, hồ Bò Lạc,…

Để tiếp tục phát huy thành quả kinh tế - xã hội của tỉnh, mục tiêu của Vĩnh Phúc đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là gì, thưa ông?

HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 189/2015/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Để cụ thể hóa và triển khai thực hiện, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 450/KH-UBND ngày 20/1/2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Trong đó thể hiện rõ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu… Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.

Cảm ơn ông!

Quy mô kinh tế tăng gần 40 lần

Bình quân giai đoạn 1997-2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Vĩnh Phúc đạt 15,37%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng 39,5 lần so với khi tái lập tỉnh. Từ một tỉnh phụ thuộc, đến nay, Vĩnh Phúc trở thành một trong 13 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương, năm 2016, tổng thu ngân sách ước đạt trên 30,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 280 lần so với năm 1997).

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.