Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang:

Hai năm nữa du lịch ở Vĩnh Phúc sẽ thay đổi rất lớn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang
“Du lịch sẽ là một hướng đi rất thành công của Vĩnh Phúc trong thời gian tới. Tôi tin chỉ hai năm nữa thôi, du lịch của Vĩnh Phúc sẽ có sự thay đổi rất lớn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang trao đổi với phóng viên nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc sẽ là điểm đến chứ không phải nơi đi qua

Một trong những thế mạnh của Vĩnh Phúc là phát triển loại hình du lịch, nhưng vì sao tỉnh chưa đi vào khai thác triệt để lĩnh vực này, thưa ông?

Có thể nói, sau 20 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã làm được rất nhiều việc, song cũng còn nhiều việc dang dở, thậm chí cũng có nhiều việc rất khó khăn.

Vĩnh phúc luôn xác định hướng đi rất rõ ràng, lấy công nghiệp là nền tảng để thay đổi mọi thứ. Thực tế cho thấy, Vĩnh Phúc đạt được thành quả như hôm nay là do công nghiệp và đến mức độ nào đó sẽ chuyển dần sang đầu tư cách ngành khác.

Một trong những lĩnh vực quan trọng của Vĩnh Phúc là phải đột phá bằng du lịch. Đối với Vĩnh Phúc và các địa phương khác, muốn phát triển du lịch, đầu tiên phải sở hữu một tài nguyên du lịch. Không có tài nguyên du lịch thì sẽ rất khó khăn. Chúng ta không thể có nhiều tiền để làm như các nước ở Trung Đông được, do vậy việc đầu tiên là dựa trên tài nguyên du lịch.

Vĩnh Phúc có dãy núi Tam Đảo với khoảng 32 nghìn ha, trong đó Vĩnh Phúc sở hữu hơn 15 nghìn ha với khí hậu, không khí rất tuyệt vời. Đó là thứ đầu tiên du lịch cần phải khai thác. Trước đây chúng tôi có nhìn ra tiềm năng đó, nhưng nó chưa chín muồi. Bởi những năm mới tách tỉnh, ngân sách Vĩnh Phúc chỉ hơn 100 tỷ, còn bây giờ đã trên 30 nghìn tỷ đồng.

Chúng ta phải có đủ tích lũy thì muốn làm gì mới làm được, và bây giờ tiềm năng này ở Vĩnh Phúc đã chín muồi. Khi chúng ta nhìn ra con đường nhưng nếu chưa có nguồn lực cũng không làm gì được. Điều này muốn nhấn mạnh đến tầm nhìn, không phải bây giờ Vĩnh Phúc mới nhận thấy, mà các thế hệ lãnh đạo trước đã nhìn ra rồi. Bây giờ chúng tôi là thế hệ may mắn, đã có đủ tích lũy để triển khai nó và trách nhiệm của chúng tôi là phải triển khai hiệu quả.

Điều này càng có cơ sở, khi Vĩnh phúc được thụ hưởng rất nhiều đầu tư công của quốc gia, ví dụ cầu Nhật Tân đi sân bay, từ sân bay đi đường xuyên Á, đó là đầu tư công quốc gia và đi qua Vĩnh phúc, lại đi qua những khu vực năng động nhất của tỉnh và có kết nối giao thông rất tốt.

Thứ hai Vĩnh Phúc cách sân bay có 20 km, ở một không gian phát triển mới, khái niệm địa giới hành chính không còn là câu chuyện tuyệt đối nữa mà ai khai thác tốt thì thành công sẽ thuộc về họ. Tôi ví dụ đến Vĩnh Phúc sau này có 10 triệu khách du lịch, chúng ta tự hào nói rằng sân bây Nội Bài là của Vĩnh Phúc. Làm sao có thể sử dụng tài nguyên công của quốc gia thành cơ sở vật chất của chúng ta, cách tiếp cận của chúng tôi là như vậy.

Vậy ông có thể cho biết, định hướng phát triển đột phá cụ thể của Vĩnh Phúc đối với ngành du lịch là gì?

Chúng tôi xác định, du lịch phải đi theo hướng chuyên nghiệp hơn, làm cho hiệu quả hơn chứ không đầu tư vào quy mô. Thứ hai, phải chọn được nhà đầu tư chiến lược để tạo ra những sản phẩm du lịch mới. Nếu không có nhà đầu tư chiến lược thì cũng chỉ mang tính cộng dồn mà thôi. Tôi ví dụ như khu Tam Đảo 1, chỉ là cấp số cộng của các nhà nghỉ, không giải quyết được câu chuyện tổng thể thay đổi về chất lượng, giá trị gia tăng của du lịch cũng như mở ra được sự thu hút.

Thẳng thắn nhìn nhận, đến bây giờ du lịch của Vĩnh Phúc cũng chỉ là một tỉnh đi qua thôi, chưa phải là một điểm đến của người dân, mà hướng tới du lịch Vĩnh phúc phải là điểm đến của du khách.

Muốn làm được điều này thì các tiêu chí về sức hấp dẫn, chất lượng dịch vụ, độ chuyên nghiệp và hơn thế nữa là nhận thức xã hội về làm du lịch phải nâng lên. Đến thời điểm này tôi cho rằng tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo trước đây đã đặt nền móng để thế hệ chúng tôi ngày hôm nay triển khai.

Tôi tin trong một thời gian hai năm nữa sẽ có sự thay đổi rất lớn, và từ nay đến thời điểm đó, cơ bản chúng ta giải quyết cái quan trọng nhất là kết nối hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặt vào nó những công trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đi theo là chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ trong ngành du lịch tốt lên. 

Chúng ta cứ tin tưởng, rằng du lịch sẽ là một hướng đi rất thành công của Vĩnh Phúc.

Nhà đầu tư cần gì, chúng tôi đáp ứng đó

Thế còn chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp được Vĩnh Phúc chú trọng thế nào, thưa ông?

Ngay từ những ngày đầu tiên tái lập tỉnh, các thế hệ lãnh đạo của Vĩnh phúc đã chỉ ra được hướng đi, luôn rất quyết liệt cho việc này. Câu nói “Nhà đầu tư nào đầu tư ở Vĩnh Phúc cũng đều được coi là công dân của Vĩnh Phúc” chính là câu nói từ các đồng chí lãnh đạo trước đây, và sau này chúng tôi tiếp tục đi theo con đường đó.

Muốn tăng trưởng dứt khoát phải có đầu tư. Không có đầu tư sẽ không có tăng trưởng. Muốn có đầu tư thì phải thu hút, muốn vậy phải tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư đến đây, người ta không cần hỗ trợ về tiền vì phải có tiền họ mới đi đầu tư.

Nhà đầu tư cần điều gì, chúng tôi đi thẳng vào giải quyết vấn đề đó. Tôi ví dụ người ta cần một thủ tục nhanh, thì Vĩnh Phúc thiết lập đầu mối, tập trung giải quyết vấn đề đó rất nhanh. Rồi cái nhà đầu tư cần là sớm có mặt bằng thì tỉnh đã rất quyết liệt về vấn đề này. Đây là một câu chuyện lợi ích, ta lấy đất của người này trao cho người khác theo quy hoạch. Nhìn rộng ra ở đây là cả vấn đề xã hội, nhìn sâu hơn nữa, chúng ta phải chấp nhận hi sinh cái nhỏ để có được thắng lợi lớn.

Chính vì vậy Vĩnh Phúc đã có rất nhiều khu công nghiệp, và tới đây tỉnh sẽ quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn nhiều trong vấn đề thu hút đầu tư.

Ông có thể đưa ra ví dụ cụ thể về những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện tối đa nhất cho các nhà đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc?

Chúng tôi hay nói đùa là phải bắn chim đậu, còn bắn chim bay một phần thôi, nghĩa là nên phục vụ các nhà đầu tư đã có mặt tại Vĩnh phúc, còn các nhà đầu tư khác, họ sẽ đến hỏi nhà đầu tư đã thành công ở Vĩnh Phúc. Đó là câu chuyện lan tỏa tốt đẹp về đầu tư, nó tốt hơn nhiều so với việc thành lập các đoàn đi nước ngoài.

Tới đây, Tập đoàn Sumitomo sẽ đầu tư hơn 200 ha ở Bình Xuyên. Vĩnh Phúc lúc đó cam kết với nhà đầu tư, sẽ xin phép Thủ tướng trong hai tuần sẽ áp dụng cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư này. Đúng hai tuần sau, Vĩnh Phúc làm được điều đó, và đích thân ông Chủ tịch tập đoàn bay sang đây để chứng nhận kết quả.

Sau khi tập đoàn này vào, họ cam kết sẽ có khoảng 60 – 70 nhà đầu tư khác chỉ của Nhật Bản, sẽ đầu tư vào khu công nghiệp đó. Tôi tin chắc rằng, đây lại là một bước tiến mới của công nghiệp Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn còn diện tích mới cho các khu công nghiệp, tạo điều kiện chủ động hơn cho các nhà đầu tư.

Tinh thần chung là Vĩnh Phúc luôn luôn tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư, luôn phục vụ một cách tốt nhất các nhà đầu tư muốn đầu tư vào Vĩnh Phúc.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG