Thu hồi toàn bộ nhà công vụ sử dụng sai mục đích

TPO - Chính phủ yêu cầu thu hồi toàn bộ nhà công vụ giao sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, giao cho cựu quan chức nhưng hết thời gian được sử dụng theo quy định.

Trong chương trình tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 ban hành trong thời gian tới, Chính phủ đưa ra hàng loạt các mục tiêu chiến lược.

Theo đó, đối với lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả sử dụng nhà ở công vụ. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, giao cho quan chức, cựu quan chức sử dụng không đúng tiêu chuẩn, hoặc hết thời hạn được sử dụng nhà ở công vụ theo quy định.

Thu hồi toàn bộ nhà công vụ sử dụng sai mục đích ảnh 1 Sẽ thu hồi tất cả nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, giao cho quan chức, cựu quan chức sử dụng không đúng tiêu chuẩn, hoặc hết thời hạn được sử dụng nhà ở công vụ theo quy định. Trước đó, vụ việc nhiều quan chức về hưu vẫn không trả nhà công vụ tại khu đô thị Yên Hòa- Cầu Giấy (Hà Nội) gây xôn xao dư luận.
Cùng với đó, yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Hạn chế mua sắm ô tô và các trang thiết bị đắt tiền (trừ xe chuyên dùng).

Trong sử dụng vốn đầu tư công, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tiến hành rà soát, cắt giảm 100% dự án không nằm trong quy hoạch, tạm dừng các hạng mục công trình chưa cần thiết, hoặc hiệu quả đầu tư thấp, dự án đầu tư kéo dài nhiều năm, không hiệu quả.

Yêu cầu bộ, ngành, địa phương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên; quản lý các quỹ tài chính ngân sách; sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trước đó vụ việc 12 cựu quan chức bị Bộ Xây dựng yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ gây xôn xao dư luận. Cụ thể, 12 cựu quan chức thuộc các cơ quan trung ương gồm: 3 cựu Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 2 cựu Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 1 cựu Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 1 cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 1 cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, 1 cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, 1 cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), 1 cựu Tổng Biên tập báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Được biết, hầu hết các cựu quan chức nêu trên đều có hệ số phụ cấp chức vụ khi đang công tác từ 1,3 trở lên, đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc chức danh tương đương hàm thứ trưởng, có tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị là căn hộ loại 2, diện tích sử dụng từ 100 - 115m2.

Tuy nhiên, nhiều người trong số này đã về hưu 2 - 3 năm, không có nhu cầu ở nhà công vụ nhưng vẫn "chây ì" không bàn giao lại nhà công vụ của Nhà nước. Sau đó, dưới áp lực của dư luận, tất cả 12 cựu quan chức đã ký vào biên bản bàn giao, trả lại nhà công vụ cho Bộ Xây dựng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.