Bám nhà công vụ: Cán bộ chây ì, thiếu gương mẫu

Tòa nhà công vụ tại Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội, nơi nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai đang ở Ảnh: Như Ý
Tòa nhà công vụ tại Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội, nơi nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai đang ở Ảnh: Như Ý
TP - “Nhiều lý do được đưa ra để họ mong muốn giữ lại nhà công vụ, nhưng bản chất đó là sự chây ì, thiếu gương mẫu. Trước pháp luật tất cả đều phải bình đẳng như nhau. Không thể dân sai thì áp dụng biện pháp cứng rắn, còn cán bộ lãnh đạo cấp cao sai lại nể nang, coi nhẹ”, TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, trò chuyện với Tiền phong.

Tính vào lương để đảm bảo công bằng

Khi 12 trường hợp cựu cán bộ cấp cao bị nêu tên vừa lắng xuống, lại có một vị nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đệ đơn lên Thủ tướng xin giữ lại nhà công vụ. Ông đánh giá gì về những trường hợp muốn xin giữ lại nhà công vụ khi đã rời nhiệm sở?

Trong công tác quản lý cán bộ có đặt ra vấn đề chỗ ở cho những người thuộc diện luân chuyển, điều động. Khi xây dựng nhà công vụ cũng xác định rõ mục tiêu trong quản lý sử dụng loại hình tài sản công này. Nhà công vụ chỉ để phục vụ cho đối tượng cán bộ được luân chuyển trong thời gian còn làm việc tại các cơ quan trung ương. Hết thời hạn đó, phải trả lại tài sản cho cơ quan quản lý, để người kế tiếp khi luân chuyển về có thể ở được. Điều đó là cần thiết.

Có thể hiểu, nhà công vụ là tài sản công cũng như loại hình xe công với đối tượng được sử dụng chế độ đưa đón tại nhà khi đương nhiệm. Ngoài hưởng phụ cấp theo quy định, họ được bố trí xe, nhưng khi thôi làm nhiệm vụ, anh phải trả lại cơ quan để bố trí cho người khác có chức danh được hưởng chế độ tương tự. Cơ chế quản lý sử dụng đã rất rõ ngay từ ban đầu, chứ không phải đến khi một số cán bộ cao cấp nghỉ công tác rồi có ý kiến, xin giữ lại nhà.

Trên thực tế nhiều năm qua, có một bộ phận cán bộ cao cấp được sử dụng nhà công vụ. Đến khi nghỉ hưu, thậm chí đã di chuyển đi chỗ khác nhưng vẫn không chịu trả lại nhà công vụ. Hành vi này không đúng với quy định của Nhà nước về quản lý sử dụng nhà công vụ. Đối với cán bộ cao cấp, họ đều là những người có đủ trình độ, nhận thức, uy tín thì trước tiên cần phải gương mẫu, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà công vụ. Đây cũng là vấn đề nêu gương để các cán bộ và nhân nhân noi theo.

Nhiều trường hợp muốn giữ lại nhà công vụ thường viện dẫn lý do chưa được hưởng cơ chế, chính sách như những người đồng cấp ở các cơ quan khác, thưa ông?

Đúng là vừa qua tôi được biết có một số cán bộ cao cấp gửi đơn đến Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, kiến nghị cho phép thanh lý nhà công vụ, để được hưởng chế độ như một số cơ quan trung ương khác. Những kiến nghị của họ, các cơ quan có trách nhiệm nên xem xét một cách nghiêm túc. Nếu không phù hợp với thực tiễn thì nên sửa đổi, hoàn thiện cho hợp lý.

Nhà công vụ đều sử dụng tiền ngân sách nhà nước, nên cần có một chính sách thống nhất. Tránh tình trạng bất cập, ở cơ quan này thì cán bộ được thanh lý, hoặc có chế độ nhà công vụ, còn ở cơ quan khác lại không có chế độ đó, dẫn đến không công bằng, rồi sinh ra ý kiến. Mục đích quản lý, sử dụng nhà công vụ rất rõ rồi, nhưng vì có những bất cập trong xử lý ở một số cơ quan, dẫn đến những tâm tư, so bì. Cái này do cơ chế, cần rà soát lại để hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất.

Về lâu dài, theo ông, cần phải có giải pháp đảm bảo sự công bằng, tránh so bì, thắc mắc như vừa qua?

Trong những năm qua, chính sách nhà ở đối với cán bộ, công nhân viên chúng ta đã có những cải cách, thay đổi. Từng bước chúng ta tiền tệ hóa tiền lương đối với các khoản thu nhập, đảm bảo minh bạch, công khai, công bằng giữa các cơ quan, tổ chức, tránh tình trạng như thời bao cấp và giai đoạn hậu bao cấp. Việc này cần tiếp tục trong cải cách tiền lương trong thời gian tới. Đảng và Nhà nước đã có chủ trương rồi, nên tính toán đầy đủ, phản ánh hết trong tiền lương, đảm bảo minh bạch, công bằng.

Còn đối với cán bộ thuộc diện luân chuyển, sử dụng nhà công vụ phải theo quy chế quản lý sử dụng nhà công vụ. Khi xảy ra bất bình đẳng về chế độ hưởng thụ nhà ở, phải rà soát lại cho đồng bộ. Nếu tiền tệ hóa tiền lương đã phản ánh hết, cán bộ đó có nhu cầu nhà ở thì ra thị trường mua. Như vậy cho bình đẳng, vì mọi khoản chi trả, Nhà nước đã tính hết trong lương rồi.

Muốn thu hồi, không thiếu cách

Để đòi được nhà công vụ, nhiều ý kiến đề nghị trước tiên phải công khai danh tính những cán bộ chây ì?

Khi một số cán bộ cao cấp chưa trả lại nhà công vụ, cơ quan quản lý đã có văn bản yêu cầu trả lại để bố trí cho những cán bộ đương nhiệm khác. Nhưng họ vẫn chây ì, không chịu trả lại nhà công vụ. Tôi còn được biết, có những trường hợp đã nghỉ hưu hơn 10 năm nay mà vẫn bám lấy nhà công vụ, chưa chịu trả, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã có văn bản nhắc nhở nhiều lần. Họ đề nghị phải thanh lý để được hưởng chế độ nhà giá rẻ theo quy định.

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng cũng đặt ra vấn đề có nên công khai danh tính những người chây ì không chịu trả nhà công vụ hay không. Dư luận cũng yêu cầu phải công khai những trường hợp chây ì đó. Người dân làm sai thì công bố công khai để giám sát, xử lý theo pháp luật. Vậy những cán bộ cao cấp đó có nên công khai không? Theo tôi, quy định đã có rồi, phải công khai, minh bạch và bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt. Pháp luật là chung chứ không có một chủ thể cá nhân nào nằm ngoài pháp luật, trên pháp luật được. Cán bộ đảng viên càng phải gương mẫu trong thực thi pháp luật.

Vừa qua, với hơn 10 trường hợp chây ì trả nhà công vụ, Bộ Xây dựng đã công khai, nhưng lại chỉ viết tắt họ tên, như vậy là công khai chưa triệt để. Cái gì anh làm đúng cũng cần công khai để có chế độ động viên, khen thưởng kịp thời. Cái gì không đúng càng cần phải công khai trước Đảng, trước dân. Nhưng công khai cũng chỉ một phần thôi. Để thu hồi nhà công vụ, chúng ta có nhiều giải pháp, vấn đề ở chỗ cơ quan quản lý nhà nước có làm không, hay vì người sử dụng nhà công vụ  là cán bộ cao cấp nên né tránh.

Trong đền bù giải phóng mặt bằng, với cơ chế giá thu hồi đất, đền bù tài sản của người dân thấp hơn nhiều so với giá thị trường, nhưng nhiều người dân vẫn bị cưỡng chế, thu hồi. Đối với dân như thế, còn đối với những người lãnh đạo chây ì, chúng ta đã thực hiện hết những giải pháp như thế chưa, đã thực sự công bằng, gương mẫu chưa?

Chính sách có rồi, cơ chế có rồi, vấn đề còn lại là phải thực thi công bằng. Mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật, cả quyền lợi và nghĩa vụ trước các vấn đề của xã hội. Lấy việc tuân thủ đạo đức pháp luật là lối sống của công dân mới trong chế độ mới. Không nên phân biệt tầng lớp này thì né tránh, cho kéo dài, cho được hưởng, không dám đụng chạm, còn những trường hợp khác lại áp dụng mọi biện pháp cứng rắn.

Có chuyên gia cho rằng, nếu cứ để nhờn luật, không cứng rắn với những trường hợp chây ì, thì “nhà công” sớm muộn cũng bị biến thành “nhà ông”, ông nghĩ sao về việc này?

Qũy nhà công vụ có thể biến động, nếu thiếu có thể bố trí thêm. Nhưng điều quan trọng cần tránh là việc biến nhà công thành nhà tư. Điều đó xuất phát từ chủ trương chính sách không nhất quán. Tạo thành tiền lệ xấu cho việc quản lý tài sản công nói chung và nhà công vụ nói riêng. Cái đó không nên. Còn với cán bộ trước kia, phải rà soát lại, nếu chưa được hưởng cũng có hình thức nào đó để có sự công bằng.

Như vừa qua, một thứ trưởng được điều động ra Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được khen thưởng. Thế nhưng khi về lại chỉ có nguyện vọng xin được thanh lý gần 100 m2 nhà ở công vụ, vì lý do đã ở đây, đã có đầu tư cải tạo và để đảm bảo sự công bằng giữa các cơ quan Trung ương. Tôi cho đây là điều đáng suy nghĩ về mặt quản lý nói chung.

Do chính sách nhà ở đối với cán bộ của chúng ta có sự sai lệch, vận dụng khác nhau, nên ảnh hưởng đến quyền lợi người này, người kia, dẫn đến so bì thiệt hơn. Nên họ mới đề nghị thanh lý, nếu không thì tiếp tục cho thuê lại, với lý do còn đang khó khăn về nhà ở. Tất nhiên, mức giá thuê lại nhà công vụ thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Theo tôi, pháp luật đã chuẩn hóa, minh bạch công khai rồi, việc tuân thủ pháp luật là trách nhiệm đương nhiên. Đây là những việc cần phải làm, cơ chế, chính sách đã có rồi cứ thế thực hiện, tránh tình trạng đối với dân thì nghiêm, thậm chí cưỡng chế rất nặng nề, còn đối với lãnh đạo cao cấp lại nhẹ nhàng, không kiên quyết, tạo ra sự bất bình đẳng, gây dư luận không tốt trong xã hội.
Cảm ơn ông!

“Cái gì không đúng càng cần phải công khai trước Đảng, trước dân. Nhưng công khai cũng chỉ một phần thôi. Để thu hồi nhà công vụ, chúng ta có nhiều giải pháp, vấn đề ở chỗ cơ quan quản lý nhà nước có làm không, hay vì họ là cán bộ cao cấp nên né tránh”.TS Bùi Đức Thụ -Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.