Chiều 27/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Đến cuối năm 2020, các bộ, cơ quan ở trung ương đã báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý 37.468 cơ sở nhà đất. Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, vẫn còn 2/63 địa phương (Đồng Tháp và TPHCM) chưa gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Một số báo cáo còn hình thức, chưa đánh giá đầy đủ kết quả.
Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020.
Nhờ vậy, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020, tạo sức bật mới cho kinh tế địa phương, vùng và quốc gia, trở thành một động lực để nền kinh tế chống đỡ với khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 gây ra, góp phần không nhỏ vào việc duy trì mức tăng trưởng dương của Việt Nam năm 2020.
Đến ngày 31/12/2020, lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua Kho bạc Nhà nước thuộc kế hoạch năm 2020 là 382,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,7% kế hoạch.
Về tồn tại, hạn chế, Chính phủ cho biết, tình trạng giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư chậm, phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, thủ tục chưa hoàn thiện, đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định...
Về nhà công, đất công, báo cáo nêu rõ, năm 2020, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1.427 cơ sở nhà, đất và một phần diện tích của 1 cơ sở nhà, đất do 11 doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý; phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý 1.503 cơ sở nhà, đất, phê duyệt điều chỉnh phương án đối với 149 cơ sở nhà, đất của khối đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ở trung ương.
Đến cuối năm 2020, các bộ, cơ quan ở Trung ương đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý 37.468 cơ sở nhà đất, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án đối với 28.182 cơ sở nhà, đất.
Tuy nhiên, nguồn gốc nhà, đất công được hình thành qua nhiều giai đoạn, việc lưu giữ hồ sơ không đầy đủ, chưa được quan tâm nên bị thất lạc, ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp nhà, đất...
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm, như: Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông...
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, tổng số 117 cơ quan, đơn vị đã tiết kiệm được hơn 84.635 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước là 50.628 tỷ đồng, còn tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp hơn 34.000 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiết kiệm được nhiều nhất với 15.755 tỷ đồng. Thành phố Hà Nội đứng thứ 2, với tổng số tiền tiết kiệm hơn 10.287 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng thứ 3 với tổng số tiền tiết kiệm được hơn 6.558 tỷ đồng…
Nếu xét ở 63 tỉnh, thành, Hà Nội tiết kiệm được nhiều nhất, kế đến là Lâm Đồng, Cần Thơ, Thanh Hóa... Ngược lại, các tỉnh Hậu Giang, Hà Nam, Hưng Yên xếp cuối bảng khi tiết kiệm được dưới 100 tỷ đồng. Với 34 bộ và cơ quan Trung ương, tổng số tiền tiết kiệm được là 11.154 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là 3 cơ quan tiết kiệm được nhiều nhất, kế đến là Bộ GTVT.
Trong khối các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kế đến là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội... Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Tổng Công ty Giấy Việt Nam tiết kiệm được ít nhất, với tổng số tiết kiệm dưới 10 tỷ đồng.
Triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách
Năm 2021, Chính phủ xác định triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách. Qua đó sẽ cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công, năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, vẫn còn 2/63 địa phương (Đồng Tháp và TPHCM) chưa gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Một số báo cáo còn hình thức, chưa đánh giá đầy đủ kết quả. Một số bộ, ngành chưa thực hiện chấm điểm theo quy định như Bộ Công Thương, KH&ĐT, NN&PTNT, Xây dựng, Y tế…
Có bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị trực thuộc. Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một chủ trương rất lớn, được thể chế trong pháp luật. Đôi khi thiệt hại do lãng phí không kém gì vấn đề tham nhũng, thậm chí nhiều khi lãng phí các nguồn lực còn trầm trọng hơn, lớn hơn.
Vì vậy, chúng ta phải hết sức coi trọng vấn đề này. Đây là báo cáo thường niên, nhưng nhiều ý kiến đánh giá, vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào thực chất, chưa chỉ rõ địa chỉ cụ thể.
“Những tồn tại, hạn chế, thậm chí yếu kém còn nói chung chung, chưa chỉ ra được cụ thể, hoặc có nhưng thiếu tính phản biện, còn nể nang, né tránh, sợ đụng chạm. Không biết có phải thế không? Tinh thần Thủ tướng nói cái gì tốt phải khen, địa phương, bộ ngành nào tốt, mô hình nào hay phải nhân rộng ra. Anh nào vi phạm, yếu kém phải phê bình, kỷ luật. Phải rõ ràng, minh bạch như vậy”, Chủ tịch Quốc hội nói.