Thu hồi hơn 2 nghìn tỷ đồng tài sản tham nhũng trong tổng số trên 33 nghìn tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
TPO - Kết quả công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng cho thấy, số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.047 việc, với tổng số tiền, giá trị tài sản là trên 33 nghìn tỷ đồng; đã thi hành xong 1.745 việc, với số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được là hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Có 51 người đứng đầu đã bị xử lý

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021 gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN.

Liên quan đến thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Chính phủ cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 6.599 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, qua đó phát hiện 98 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm (tăng 8,9% so với năm 2020). Đồng thời tiến hành 3.108 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 276 vụ việc và 376 người vi phạm; đã xử lý hành chính 188 người; kiến nghị thu hồi 50,8 tỷ đồng, thu hồi được 43 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 5.530 cơ quan, tổ chức, đơn vị, xử lý 80 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Bên cạnh đó, có 4 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 350 triệu đồng; có 2 người bị xử lý do có vi phạm thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 26.576 lượt cán bộ, công chức, viên chức.

Đã có hơn 1,28 triệu người kê khai tài sản, thu nhập. Số bản kê khai đã hoàn thành công khai đạt tỷ lệ 99% số đã kê khai. Có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật.

Điểm mới trong phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, qua kiểm tra 13 công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội, phát hiện 13 vụ, 19 đối tượng có hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, 5 đối tượng đã bị xử lý hình sự.

Về kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 4.706 cuộc thanh tra hành chính và 128.877 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 47.206 tỷ đồng, 2.088 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.530 tập thể, 2.165 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 161 vụ, 93 đối tượng.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 101.379,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; cung cấp 211 Báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.

Tài sản tham nhũng: 33 nghìn tỷ, thu hồi hơn 2 nghìn tỷ

Chính phủ cũng cho biết, các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 478 vụ án, 1.051 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó khởi tố mới 282 vụ, 536 bị can, thiệt hại hơn 628 tỷ đồng, thu hồi tài sản trong các vụ án đang thụ lý trên 503 tỷ đồng; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 254 vụ, 650 bị can; tạm đình chỉ điều tra 22 vụ, 50 bị can…

TAND các cấp đã thụ lý 362 vụ với 1.039 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 186 vụ với 440 bị cáo về các tội tham nhũng (so với cùng kỳ năm trước thụ lý giảm 26 vụ và 62 bị cáo, xét xử giảm 17 vụ và 83 bị cáo). Trong số 440 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 20 bị cáo.

Kết quả công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.047 việc, với tổng số tiền, giá trị tài sản là trên 33 nghìn tỷ đồng; đã thi hành xong 1.745 việc, với số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được là hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ đánh giá, năm 2021, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong năm tới là đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về PCTN; đề nghị TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, chú trọng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát…

MỚI - NÓNG