Thu hẹp khoảng cách giữa nạn nhân bị xâm hại tình dục và người ngoài cuộc

Thu hẹp khoảng cách giữa nạn nhân bị xâm hại tình dục và người ngoài cuộc
TPO - Không gian trải nghiệm “You can talk to me” - "Có mình ở đây" mời người tham dự bước vào hành trình của sự can đảm. Bằng những cách thể hiện khác nhau, các nghệ sĩ đương đại đã thu hẹp khoảng cách giữa nạn nhân bị xâm hại tình dục và những người ngoài cuộc tò mò hoặc thấu cảm, hoặc đa nghi.

Người bị quấy rối và xâm hại tình dục không chỉ phải chịu những tổn thương về mặt thể chất và tinh thần từ chính vụ việc, họ còn phải đối diện với những lời nói và hành vi đổ lỗi từ những người xung quanh, từ những người thân thiết nhất đến cả những người dưng vô hình. Vào những ngày đầu năm 2020, 9 tác phẩm của 7 nghệ sĩ và nhóm S.O.S Our Stories đã truyền thông điệp trên trong một không gian triển lãm tại TP Hồ Chí Minh và sau đó ra Hà Nội.

Tác phẩm kể chuyện tương tác “Vì sao tôi im lặng” với công nghệ thực tế ảo video 360 độ của nghệ sĩ Jo- Ngô Kỳ Duyên chia sẻ những lý do tại sao mọi người im lặng về việc bị xâm hại tình dục trên Twitter và Instagram.  

Thu hẹp khoảng cách giữa nạn nhân bị xâm hại tình dục và người ngoài cuộc ảnh 1 Tác phẩm “Vì sao tôi im lặng” sử dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường để tăng hiệu ứng tương tác.

“Hãy tưởng tượng nếu như một em gái quyết định kể chuyện mình bị quấy rối với mẹ. Nhưng sau đó mẹ lại nói những câu như : “Lúc đó con có nói gì khiến cho nó nghĩ là con thích nó hay không” hoặc là “lúc đó thì con có uống rượu say không/ có tỉnh táo không?”. Rất nhiều câu nói có thể xuất phát từ tình thương, hoặc “ xót quá nên nói thế”, nhưng nó lại chịu ảnh hưởng từ văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân. Vì thế nạn nhân có thể vừa cảm thấy không được hỗ trợ mà còn càng im lặng nhiều hơn”, anh Hoàng Giang Sơn, Cán bộ Công lý Giới, đại diện iSEE (Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế môi trường) - đơn vị tổ chức triển lãm cho biết. “Cô ấy ăn mặc hở hang!” , “Mày làm gì khiêu khích hung thủ?”, “Con bé có bịa chuyện không?”,… có thể là những thắc mắc đầu tiên khi người ngoài cuộc biết tin về một vụ quấy rối hoặc xâm hại.

Trong trình diễn tương tác “Bạn có thể kể tôi nghe bí mật của bạn”, nghệ sĩ Lê Phương Nhi chọn một góc nhà kho (để đồ thừa của triển lãm) làm điểm gặp mặt với nhân vật sẵn sàng chia sẻ. Mặc bộ đồ đen, bịt mắt bằng băng vải đỏ Phương Nhi vừa gọt táo vừa nghe người lạ kể bí mật của họ. Cô cam kết “không biết mặt của họ, đem theo bí mật của họ xuống mồ”.

Trong Sắp đặt đa phương tiện “Nghe con nói” (của nhóm 101) căn phòng lộn xộn của một đứa trẻ cô đơn. Bàn học, đồng phục, đồ chơi và một hình bóng điêu khắc đứa trẻ hiện trên tường. Trên bệ cửa số có những ống bơ nháy đèn. Lấy ống bơ áp vào tai, mỗi cái có một âm thanh riêng. Có tiếng tút dài của điện thoại không nhấc máy, tiếng kẹt cửa , tiếng mưa tí tách…gợi ra nỗi lo lắng của đứa trẻ bị bỏ rơi. Nó mong mẹ / bố nhấc điện thoại , nghe nó thổ lộ về bí mật khốn khổ của mình.

Thu hẹp khoảng cách giữa nạn nhân bị xâm hại tình dục và người ngoài cuộc ảnh 2 Trình diễn tương tác: “Nghe con nói” của nhóm 101
MỚI - NÓNG