Trận thư hùng đêm 11/7 tại SVĐ Wembley đã mang lại phần thắng cho tuyển Ý sau màn phạt đền luân lưu ngạt thở, như đã diễn ra nhiều lần trong kỳ giải EURO 2020, trong một trận đấu mà như nhiều BLV chia sẻ, đội nào thua cũng khiến người hâm mộ tiếc nuối và chảy nước mắt. Những chàng trai xuất sắc nhất của thế hệ họ, trong sắc áo Anh hay Ý, đã có một trận đấu cân sức và xứng đáng với màn chung cuộc của giải vô địch châu Âu.
Nhưng như một ký giải thể thao Hungary chia sẻ trong một bài viết, bóng đá không chỉ về nhà, ở London hay Roma, và môn thể thao được ưa chuộng nhất hành tình này đang trở về với tất cả người hâm mộ, cho dù là ở Budapest, hay Đà Nẵng, nơi ông có dịp trải qua những cảm xúc bùng nổ và lạ thường. “Không có khoảnh khắc nào tự do hơn, bằng niềm vui khi chứng kiến bàn tháng ở sân vận động, theo Pető Péter.
Bóng đá trở về nhà với Hungary. Đã lâu lắm rồi, cổ động viên Hungary mới có cơ hội tận hưởng niềm vui từ trái bóng tròn cùng đội tuyển Hungary ảnh MTI |
“Dầu sao chúng ta cũng 'đi bão' chứ” - một doanh nhân địa phương nói với nhà báo khi anh có mặt ở thành phố cảng Đà Nẵng bên bờ Biển Đông, sau trận chung kết U23 châu Á với kết quả là Uzbekistan vượt qua Việt Nam với tỷ số 2-1 trong 120 phút. “Hoàn toàn đồng ý với đề nghị ấy, tôi đã hòa mình vào một trong những đêm kỳ quái nhất trong cuộc đời mình”, Pető Péter thuật lại chuyện trong bài viết đăng tải trên mạng 24.hu chiều 11/7.
Là một “fan cuồng” của bóng đá và có dịp trải qua rất nhiều trải nghiệm tại các quốc gia trong các giải vô địch khác nhau, nhà báo thể thao này nói rằng thế hệ của ông đặc biệt khao khát những khoảnh khắc vỡ òa khi chứng kiến bàn thắng của đội nhà, vì đã từ nhiều thập niên nay, người Hungary không được nhận từ bóng đá những gì họ mơ ước, mà chỉ gặp hết thất vọng này đến thất vọng khác, cho dù “túc cầu là trò chơi của niềm hy vọng”.
"Bóng đá về nhà" trên các mặt báo Ý số ra sáng 12/7 |
Nhưng với ông, “bóng đá đang trở về nhà” cũng là khi khoác lên người một chiếc áo mang màu cờ nước khác, để dễ dàng hòa mình vào các CĐV bản địa, tìm hiểu và cảm nhận nền văn hóa, niềm tin, hy vọng và sự cuồng nhiệt của họ. Và lạ lùng thay, Pető Péter đã có được cảm xúc ấy tại Đà Nẵng, trong thời gian ở Việt Nam, và nhận ra rằng tất cả mọi người đều tập trung trước màn hình TV và hầu như giao thông ngừng lại trên đường phố.
“Đương nhiên, tôi cũng tìm chỗ ngồi tại một hàng quán, hóa ra đô thị lớn này trầm lại vì tuyển U23 của Việt Nam đang chơi với Qatar để giành vé vào chung kết Cup châu Á”. Đội Việt Nam chiến thắng, và Pető Péter nhào ra đường vì cả đêm, tiếng động cơ xe máy và hò hát của các “fan” Việt tạo nên bầu không khí lễ hội không thể tưởng tượng được đối với ông. Và do đó, ông đã chuẩn bị cho trận chung kết với một chiếc áo đỏ màu cờ Việt Nam.
và "về nhà" ở Việt Nam. Nhà báo Pető Péter giữa "con sóng đỏ" cổ động viên Việt Nam đi "bão" sau trận đấu của đội tuyển U23 Việt Nam năm 2018 |
Mặc lên người chiếc áo đỏ giá 10 USD ấy, Pető Péter muốn thể hiện rằng ông cổ vũ tuyển Việt Nam tại Đà Nẵng. Người dân địa phương, thấy vậy, đã bấm còi, mỉm cười và tỏ ra vui mừng trước sự “hội nhập toàn diện” của một du khách ngoại quốc. Pető Péter suy nghĩ và rốt cục, ông không ra “fan zone” quá rộng lớn, mà lựa chọn một quán dành cho giới trung lưu địa phương, nhưng rồi được cho biết là ở đó không còn một chỗ trống nào.
Rốt cục, nhà báo Hungary được chủ quán thương tình thu xếp một ghế ngay quầy rượu. Trận đấu chưa mở màn, đã có một thanh niên Việt tới hỏi ông là ai, và tại sao lại mặc áo cờ Việt Nam. “Tôi là Peti, đang lang thang ở đây, và cũng là 'fan cuồng' bóng đá”. Lập tức ông được hỏi có muốn qua bàn họ ngồi hay không, để cùng nhau cổ vũ. Tất nhiên, và Pető Péter chuyển sang ngồi cùng một nhóm bạn Việt Nam, gồm 2 người địa phương và 2 người từ Hà Nội vào.
Trong số đó, 2 người nói được tiếng Anh do học tại đại học. Cả nhóm bắt đầu ăn xuống và cổ vũ. Hết sức kiên nhẫn, một người trong nhóm chỉ nói được tiếng Việt tìm cách dạy vị ký giả ngoại quốc sử dụng đũa, mà không hề biết là họ đang đối mặt với một người vụng về đến mức thắt dây giày cũng phải khó khăn lắm mới học được từ cha. Giữa chừng, trận đấu diễn ra hết sức gây cấn, nhiều khả năng là 2 đội phải đá phạt đền luân lưu.
Bóng đá luôn trở về nhà với tất cả mọi người |
Nhưng rồi, “kịch tính chồng chất kịch tính”, bàn thắng ở phút thứ 120 của một cầu thủ tuyển Uzbekistan đã khiến cả Việt Nam sững sờ. Trong bầu không khí lặng như tờ ấy, Pető Péter nghĩ rằng ông đã mất đi một cơ hội trải nghiệm cảm xúc tuyệt vời. Nhưng chỉ một giây sau, những người bạn Việt đã bảo ông, “Dầu sao chúng ta cũng 'đi bão' chứ”. Tất nhiên, ông gật đầu, cho dù ông không hề quen biết 4 người bạn mới nhưng ông đã không hề suy nghĩ gì nhiều.
Nhà báo Hungary thuật lại cảnh họ phóng xe máy khỏi Đà Nẵng, ông ngồi sau một người bạn mới và được giao nhiệm vụ cầm một cái gì đó trông như va-li, mà thoạt đầu ông không hiểu là có chức năng gì, nhưng rồi khi cắm chiếc usb vào, thì hóa ra đây là bộ tăng âm! Ngồi giữa 2 người, phóng xe và thấy xung quanh không biết bao nhiêu xe máy cũng rồ máy trên đường phố, là một cuộc diễu hành chưa bao giờ vị ký giả trải qua trong đời!
“Tự do không phải là gì khác, nó chính là được thể hiện mình cùng những người khác”, và bóng đá đã khiến một cộng đồng có thể tự do thể hiện cảm xúc của mình trong chuyến “đi bão” ở Đà Nẵng đã để lại ấn tượng không bao giờ quên trong ông.
Và điều này cũng có nghĩa là, bóng đá, luôn luôn trở về nhà với tất cả chúng ta, như suy nghĩ của nhà báo Hungary!