Thủ đoạn tinh vi của kẻ giả quyết định từ Bộ trưởng Công an nhằm lừa đảo

Từ trái qua, các bị cáo Quân và Điệp.
Từ trái qua, các bị cáo Quân và Điệp.
TPO - Đối tượng giao các quyết định, giấy báo giả cho người muốn nhập học rồi vờ làm giáo viên tại các trường công an để yêu cầu họ đến nộp giấy. Người này cũng chờ sẵn ở cổng trường để thu lại rồi tiêu hủy các văn bản giả do chính mình làm ra.

Ngày 17/5, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Văn Điệp (SN 1984, ở Cẩm Khê, Phú Thọ) án 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm 6 tháng tù về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, tổng hợp hình phạt 19 năm 6 tháng tù.

Cùng vụ án, bị cáo Lê Văn Quân (SN 1986, ở thị xã Phú Thọ) phải nhận hình phạt 36 tháng tù treo về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Theo truy tố, Nguyễn Văn Điệp vốn không nghề nghiệp ổn định nhưng tự giới thiệu đang làm việc tại ngân hàng Quân đội và có quen biết nhiều người, có khả năng xin đi học hoặc việc làm trong lực lượng công an; chạy các dự án…

Nếu ai muốn đi học, Điệp đưa ra mức giá từ 200 – 300 triệu đồng, phải đặt cọc trước 100 triệu đồng; trong vòng 1 tháng kể từ khi đặt cọc sẽ có giấy báo nhập học hoặc quyết định nhận đi làm, khi đó phải thanh toán tiền còn lại.

Để tạo lòng tin, Điệp lên mạng tải các mẫu quyết định có chữ ký của Đại tướng Trần Đại Quang (khi đó là Bộ trưởng công an), các quyết định tuyển dụng của cơ quan Nhà nước, mẫu giấy báo nhập  học… rồi điền tên, thông tin của những người muốn xin học, xin việc vào.

Những việc này được Điệp thực hiện tại quán photocopy của Lê Văn Quân. Đồng thời, Quân cũng là người đã in màu các quyết định, giấy báo nhập học để Điệp đưa cho các bị hại.

Đặc biệt, sau khi đưa các văn bản giả và nhận đủ tiền, Điệp sử dụng sim rác để gọi cho thí sinh. Đối tượng tự nhận là thấy giáo tại các trường của ngành công an và yêu cầu các thí sinh này đem những văn bản giả nói trên đến nộp tại trường.

Tiếp đến, chính Điệp sẽ đợi sẵn ở các cổng trường, chặn các thí sinh này và lấy danh nghĩa thầy giáo để thu hồi rồi tiêu hủy các văn bản giả do chính mình tạo ra nhằm tránh bị phát hiện.

Tòa án xác định, qua việc làm giả tài liệu, từ tháng 2 đến 11/2015, Nguyễn Văn Điệp đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8,6 tỷ đồng của 41 trường hợp. Tuy Điệp và một số người liên quan đã có ý thức trả lại tiền cho các bị hại trước khi vụ án bị phát giác nhưng hành vi của bị cáo đã phạm vào tội lừa đảo.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.