Trải qua nhiều đời, gia đình bà Phạm Thị Phường (ngụ thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) gắn bó với nghề làm bánh ít lá gai để mưu sinh kiếm sống, nuôi con cái học hành thành đạt. "Ngày trước mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhà nào cũng giã chày cối đá nhồi bột quyện với lá gai làm bánh ít rộn ràng đất đảo. Giờ thì ở Lý Sơn chỉ còn vài hộ gắn bó với nghề này", bà Phường kể.
Lá gai sau khi hấp được cho vào cối đá nhồi bột giã nhuyễn. Bà Phường cho hay, trước nhu cầu tiêu dùng của người dân cùng du khách ngày càng tăng cao nên gia đình không ngừng nâng số lượng làm bánh mỗi ngày. "Việt Kiều xa quê và du khách Hà Nội, TP HCM thường đặt mua bánh ít lá gai của gia đình tôi với số lượng lớn. Trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí, tôi còn thu lãi khoảng 100 triệu đồng", bà Phường thổ lộ.
Theo bà Phường, trước đây bánh ít bằng lá gai tươi không giữ được lâu, vị không thơm ngon bằng lá gai phơi khô như bây giờ. Dịp tết này trung bình mỗi ngày gia đình bà phường thu nhập hơn 5 triệu đồng từ bánh ít lá gai.
"Lá gai tươi được tước bỏ sợi, rửa sạch phơi nắng hai ngày rồi cho cho vào nồi nấu suốt cả ngày. Sau đó, vớt lá trong nồi ra vò cho sạch, vắt khô rồi cho vào thau đường (thắng tới thành kẹo dẻo) rồi trút vào cối đá trộn với bột nếp giã nhuyễn", chủ cơ sở mô tả.
Lá chuối tươi phơi khô khoảng ba ngày, sau đó lau sạch rồi bắt đầu gói bánh ít lá gai.
Nhưng làm bánh ít là cốt dừa quyện với đường thắng thành kẹo non, đậu phụng, gừng... Hiện, bà Phường bán 100 bánh ít với giá 250.000 đồng.
Bà Võ Thị Tòa (ngụ huyện đảo Lý Sơn) cho hay, dịp tết nào gia đình bà cũng mua 200 đến 300 bánh ít gửi biếu người thân ở đất liền và dùng trong những ngày xuân. Huyện đảo có bốn cơ sở làm bánh ít lá gai nhưng gia đình bà Phường làm loại bánh này ngon nhất. " Bên cạnh bánh tét, bánh chưng thì bánh ít lá gai dân giã, truyền thống không thể thiếu trong mâm cúng dâng lên tổ tiên vào ngày tết của người dân đất đảo", bà Tòa bộc bạch.
Trao đổi với PV, ông Phạm Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, từ thuở xưa, cây gai được trồng khắp nơi ở trên đảo vừa đáp ứng nguyên liệu sợi gai làm lưới dùng đánh cá vừa làm bánh ít, món ăn dân giã. Do vậy, vào ngày Tết, mỗi gia đình trên đảo đều sử dụng bánh ít lá gai trong mâm cúng tưởng nhớ công đức tổ tiên với nghề dệt lưới từ cây gai đánh bắt thủy sản và làm nên món ăn đậm đà hương vị quê hương này.
Theo ông Linh, ngày xưa, mỗi dịp xuân về, người dân nơi đây quan niệm, nhà nào làm bánh ít lá gai ngon, thơm là năm mới luôn gặp điềm lành, thịnh đạt, thành công. Ngày nay cuộc sống phát triển, huyện đảo chỉ còn một số hộ dân gắn bó với nghề làm bánh ít lá gai truyền thống, cao điểm nhất là vào mỗi dịp tết. Trong đó có cơ sở của bà Phường vừa thu nhập cao vừa góp phần quảng bá hình ảnh huyện đảo thân thiện đến với du khách gần xa.