Thông tuyến đèo Prenn đoạn từ thác Datanla đến đỉnh đèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn vừa thông tuyến đoạn đầu tiên dài gần 3km từ thác Datanla đến đỉnh đèo, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia lưu thông, người dân địa phương và các khu du lịch ven đèo.
Thông tuyến đèo Prenn đoạn từ thác Datanla đến đỉnh đèo ảnh 1

Thông tuyến đoạn đầu đèo Prenn

Ngày 14/12, tỉnh Lâm Đồng tổ chức nghiệm thu thông tuyến, đưa vào sử dụng đèo Prenn đoạn từ thác Datanla đến đỉnh đèo - vị trí nút giao vào bến xe liên tỉnh và đường Ba Tháng Tư. Đoạn đường vừa được thông tuyến dài 3km, từ Km226+165 đến Km229+049.

Thông tuyến đèo Prenn đoạn từ thác Datanla đến đỉnh đèo ảnh 2

Những chiếc xe đầu tiên lưu thông trên đèo sau khi thông tuyến

Từ 8h30’ sáng 14/12, ngay sau khi đơn vị thi công thông tuyến đường, người dân địa phương và du khách đã hào hứng di chuyển trên đèo Prenn để đến các khu du lịch như thác Datanla, hồ Tuyền Lâm

Thông tuyến đèo Prenn đoạn từ thác Datanla đến đỉnh đèo ảnh 3

Nhiều xe di chuyển trên đèo Prenn để đến hồ Tuyền Lâm

Công nhân của Cty CP Dịch vụ Đô Thị Đà Lạt đang gấp rút trồng hoa trên ta luy để làm đẹp tuyến đèo Prenn, cửa ngõ vào khu trung tâm TP Đà Lạt.

Thông tuyến đèo Prenn đoạn từ thác Datanla đến đỉnh đèo ảnh 4

Công nhân trồng hoa làm đẹp ta luy ven đèo

Như báo Tiền Phong thông tin, dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn được khởi công ngày 10/2, toàn tuyến có chiều dài 7,4km với tổng mức đầu tư 552,6 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh Lâm Đồng.

Mặt đường đèo Prenn được nâng cấp, mở rộng từ 7m lên thành 14,5m, được thiết kế với quy mô đường cấp III, phù hợp với điều kiện địa hình miền núi; thiết kế mới hệ thống chiếu sáng hai bên đèo đạt chuẩn quốc gia.

Thông tuyến đèo Prenn đoạn từ thác Datanla đến đỉnh đèo ảnh 5

Mặt đường được mở rộng gấp đôi nên khá rộng, có 4 làn xe

Quá trình thi công có điều chỉnh một số đoạn tuyến, cải tạo mở rộng cây cầu ở chân đèo Prenn tại Km221+680 và xây dựng cầu mới tại Km224+854 (cầu cạn cải tuyến).

Sau khi nâng cấp, đoạn đèo này vẫn giữ được độ cong mềm mại, với hai bên đường là rừng thông ba lá từ hàng chục đến cả trăm tuổi đặc trưng của Đà Lạt. Khu vực ta luy dương và âm được gia cố bằng bê tông, phần bờ đất hai bên đường cũng đã được trồng thêm mai anh đào và một số loại cây xanh khác để tôn tạo lại cảnh quan.

Thông tuyến đèo Prenn đoạn từ thác Datanla đến đỉnh đèo ảnh 6

Sau khi mở rộng, đèo Prenn vẫn giữ được đường cong mềm mại

Theo đại diện nhà thầu (liên danh Đèo Cả), đèo Prenn có địa hình khá hiểm trở, địa chất phức tạp với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Vì vậy nhà thầu phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế và phương án tổ chức thi công một số khu vực có độ cao lớn, dễ bị sạt trượt. Mặt khác, mùa mưa năm nay kéo dài, mưa lớn thường xuyên cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.

Tuy nhiên, hiện đã bắt đầu vào mùa khô nên việc thi công thuận lợi hơn. Đơn vị đang tiếp tục tăng nhân lực, thiết bị xe máy, tổ chức cho công nhân làm việc 24/24 để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục còn lại.

Thông tuyến đèo Prenn đoạn từ thác Datanla đến đỉnh đèo ảnh 7

Cấp tập thi công cầu Prenn

Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đèo Prenn là huyết mạch giao thông, nối vào cao tốc Prenn - Liên Khương - quốc lộ 20 để đi TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Thông tuyến đèo Prenn đoạn từ thác Datanla đến đỉnh đèo ảnh 8

Công nhân chia ca làm việc suốt ngày đêm

Do đó, Chủ tịch tỉnh đề nghị đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện hơn 4km còn lại từ thác Datanla xuống chân đèo để kịp khánh thành, thông toàn tuyến đèo Prenn trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

MỚI - NÓNG