Thông qua Đồ án Quy hoạch Thủ đô: Di dời cơ sở giáo dục, y tế khỏi trung tâm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo đồ án, thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu vượt sông Hồng. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, toàn bộ hoặc một phần cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trụ sở các cơ quan, đơn vị ra khỏi khu vực đô thị trung tâm.

Sáng ngày 29/3, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đồ án).

Trước đó, trình bày Tờ trình Quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Đồ án đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm kinh tế tài chính, trung tâm y tế hàng đầu cả nước.

Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng.

Thông qua Đồ án Quy hoạch Thủ đô: Di dời cơ sở giáo dục, y tế khỏi trung tâm ảnh 1

Kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Hà Nội khai mạc sáng ngày 29/3.

Để đạt được mục tiêu trên, Đồ án đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực giao thông.

Cụ thể, thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu vượt sông Hồng để tăng cường kết nối các địa phương và giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc. Đồng thời, tập trung cải tạo các khu chung cư cũ, xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, khai thác không gian ngầm trong phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, toàn bộ hoặc một phần cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trụ sở các cơ quan, đơn vị ra khỏi khu vực đô thị trung tâm. Xóa bỏ tình trạng các dự án đô thị chậm triển khai, các khu nhà ở đô thị mới xây dựng lên nhiều năm không có người ở, thiếu hạ tầng xã hội.

Thành phố cũng sẽ đầu tư xây dựng các cầu qua Sông Hồng, Sông Đuống như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, các cầu trên vành đai 4,5… Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài. Đầu tư, khai thác không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm phục vụ các tuyến đường sắt đi ngầm từ vành đai 3,5, kết hợp phát triển thương mại, dịch vụ.

Đề nghị làm rõ phương án phát triển trục sông Hồng

Đồng tình với các nội dung được nêu trong Đồ án, tuy nhiên, Ban Đô thị (HDND thành phố) đề nghị, UBND thành phố cần rà soát, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả. Đồng thời, bổ sung quan điểm phát triển Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: văn hóa - di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại; xã hội số - đô thị thông minh; khoa học kỹ thuật đổi mới, hiện đại.

Thông qua Đồ án Quy hoạch Thủ đô: Di dời cơ sở giáo dục, y tế khỏi trung tâm ảnh 2

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội phát biểu khai mạc kỳ họp.

Ban Đô thị cũng đề nghị làm rõ nét phương án phát triển trục sông Hồng. Ngoài ra, các khâu đột phá nhấn mạnh hơn về đột phá về hạ tầng giao thông, công trình ngầm, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông. Ngoài ra, cần rà soát các phương án quy hoạch các ngành, lĩnh vực để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của Thủ đô.

Sau báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến về đồ án. Trong đó, các đại biểu đề nghị thành phố tập trung các giải pháp hoàn thiện về thể chế; mối quan hệ về phân cấp, phân quyền về nguồn lực, nhất quán. Đồng thời làm rõ trục phát triển của sông Hồng, giải quyết vấn đề giao thông, giảm ô nhiễm môi trường…

Theo kế hoạch, sau khi HĐND thành phố thông qua, Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội sẽ được trình cấp có thẩm quyền để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

MỚI - NÓNG