Thông điệp

TP - Có lẽ với loài người, đại dịch Covid-19 là điều khó quên. Loài người rồi cũng sẽ vượt qua bằng sự quả cảm của mình, cũng như bao đại dịch và bao cuộc chiến chinh đau thương trong lịch sử.

Thế nhưng, đại dịch khiến cho con người thức tỉnh hơn, giảm bớt thói ích kỷ, sự tham lam, chấp ngã. Nếu như con người vốn nhận thức và tự hào về toàn cầu hóa, thế giới phẳng, thì sự lây lan của Covid-19 đang đi đúng hướng này.

Thế giới đang không khoảng cách, bỗng nhiên phải đóng sập cánh cửa từng quốc gia, từng tiểu bang, từng ngôi nhà, mỗi căn buồng. Một thế giới cách ly. Cứ như thể một sự cách ly sống chậm để suy ngẫm về con người trong mối tương quan biện chứng với tự nhiên.

Trong lúc này, hình ảnh quả địa cầu được băng bó qua lời bài “Hàn gắn thế giới” (Heal the world) cứ hiện lên từng câu chữ Michael Jackson hát: “Hãy hàn gắn thế giới, biến nó thành một nơi tốt đẹp hơn, cho bạn, cho tôi và cho cả nhân loại”. Những rừng cây đổ, thác nước ngừng chảy, mặt đất khô cong và ngập ngụa rác thải; những đôi mắt trẻ em châu Phi đầy dấu hỏi giữa khói lửa chiến tranh…

Quả nhiên, Covid-19 nhắc nhở rằng, thế giới không của riêng các siêu cường G7 hay G8; không phải nơi của những cuộc mặc cả chia chác từ lòng đất sâu lên tới bầu khí quyển. Dịch bệnh đã bùng phát dữ dội cả những nước Bắc Âu-nơi tưởng như bất khả xâm phạm.

Con người đang đón lãnh “nhân tai” nhìn ở góc độ nào đó khi ăn động vật hoang dã và biến mình thành chủ thể truyền nhiễm vi rút khắp thế giới. Con người giết voi lấy ngà, vuốt hổ, đốn cây cổ thụ từ rừng xanh núi thẳm để làm cho mình một chiếc ghế quyền uy chết chóc. Những ngai vàng qua bao nhiêu biến động của lịch sử, nay được lồng vào tủ kính trong bảo tàng để người đời mua vé vào xem.

Khi đại dịch diễn ra đỉnh điểm tại Trung Quốc, người ta thấy bầu trời tại nhiều thành phố quốc gia này trong xanh bất ngờ nhờ các nhà máy xả thải ngừng hoạt động. Nhiều người tôn trọng hơn cuộc sống tối giản và yêu sự tự do, phóng khoáng sau thời gian bị cách ly. Lâu lắm rồi, người ta mới nhận diện rõ nỗi khát khao, sự hồi sinh như một mầm cây mọc trên khô cằn sỏi đá thật ý nghĩa. Những điều trước đây, con người bị lối sống công nghiệp “nuốt chửng” nên không tài nào nhận ra.

Phải chăng đại ngàn ở Tây Nguyên cũng thế? Có khi phải cùng kiệt, đào xới, bào mòn tài nguyên thiên nhiên rồi mới giác ngộ? Không, con người không thể tự tay mở “cửa ngục” để nếm trải bất hạnh rồi mất bao công sức đóng nó lại. Không thể như ông lão Santiago trong “Ông già và biển cả” (Hemingway) mất bao công sức, sự quả cảm lẫn tài hoa để chứng minh mình không thể gục ngã và cao cả.

Không ai muốn đứng tại chốn núi rừng tan hoang rồi buồn bã hát “Chúa đã bỏ loài người/Phật đã bỏ loài người” (Trịnh Công Sơn)!
MỚI - NÓNG