Thoát nghèo nhờ 50 con gà chọi

0:00 / 0:00
0:00
Chị H’Lan chăm sóc đàn gà
Chị H’Lan chăm sóc đàn gà
TP - Từng lâm vào cảnh túng quẫn, chị H’Lan (41 tuổi, dân tộc Mạ, thôn 9, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long, Đắk Nông) đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định nhờ 50 con gà chọi.

Vừa xuất chuồng hơn 300 con gà lai chọi, chị H’Lan bắt tay khử khuẩn chuồng trại, chuẩn bị cho đợt tái đàn. Chị cho biết, cơ duyên đến với nghề nuôi gà lai chọi bắt đầu năm 2016, khi Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức cuộc thi sáng kiến thoát nghèo. Chị ngẫm quê mình đất rộng, nguồn thức ăn cho gà (bắp, đậu, lúa…) dồi dào, khá phù hợp với mô hình nuôi gà lai chọi. Tuy vậy, kiến thức nuôi gà chưa có, chị H’Lan rủ thêm 3 phụ nữ trong bon (buôn) B’dơng tham gia các lớp tập huấn, sau đó đăng ký cuộc thi với mô hình “Phát triển nuôi gà lai chọi”.

Nhóm của chị H’Lan đoạt giải khuyến khích, phần thưởng cho mỗi người là 50 con gà chọi cùng trang thiết bị, thức ăn để phát triển đề tài. Do chị chưa có kinh nghiệm nên hai đợt nuôi đầu hiệu quả không cao (gà bị bệnh, chậm lớn…); đến lứa thứ 3, mô hình nuôi gà chọi bước đầu thành công, mang lại lợi nhuận. Từ đây, chị H’Lan mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống về nuôi. Trung bình mỗi lứa, chị nuôi từ 400 đến 500 con gà lai chọi; năm 2020, có thời điểm chị nuôi trên 1.000 con.

Theo chị H’Lan, nuôi gà lai chọi không khó, chủ yếu phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Để thịt dai, ngon, chị H’Lan cho gà ăn rau, cỏ, ngô, lúa, không dùng cám tăng trọng. Mỗi năm chị nuôi từ 3 đến 4 lứa, bán giá sỉ từ 50 đến 60.000 đồng/kg, và bán lẻ 80-90.000 đồng/kg.

Nhờ nuôi gà, gia đình chị H’Lan đã thoát nghèo và có tiền mở thêm 1 quán cà phê dọc Quốc lộ 28. Chị đã lập nhóm, hướng dẫn cho 11 chị em trong bon B’dơng phát triển mô hình nuôi gà lai chọi. Năm 2020, chị được Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

“Nhờ cuộc thi mà tôi có động lực để phát triển mô hình nuôi gà lai chọi. Nếu không mạnh dạn, kiên trì theo đuổi mô hình này, chắc bây giờ nhà tôi vẫn quanh quẩn trong đói nghèo, túng quẫn. Tôi mong muốn phụ nữ, đặc biệt là chị em người Mạ phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mới thoát được nghèo”, chị H’Lan tâm sự.

MỚI - NÓNG