Thợ lề đường sửa giày cho “sao”

Đo mẫu làm lại giày cho khách.
Đo mẫu làm lại giày cho khách.
TP - Chọn vỉa hè làm nơi sửa giày mưu sinh, nhưng ít ai ngờ những người hoạt động trong giới showbiz không ngần ngại mang những đôi giày trị giá hàng ngàn USD đến đây sửa. Điều đặc biệt, những người thợ ở đây phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, được anh Nguyễn Hữu Văn (SN 1973) nhận dạy nghề, lo nơi ăn chốn ở.

Mặc dù chỉ lác đác vài dụng cụ sửa giày đơn giản như: Kìm, đinh, máy mài cầm tay… nhưng nơi sửa giày nằm gần ngã tư Pasteur - Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1 này đã tồn tại hơn 40 năm qua.

Điểm sửa giày của người đẹp

Sinh ra từ dải đất miền Trung mệnh danh là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, để thoát khỏi cái nghèo, cha mẹ Văn dắt díu đàn con vào Nam lập nghiệp. Để có tiền nuôi đàn con nheo nhóc, ông Nguyễn Hữu Tụng (cha Văn) theo ở và học nghề sửa giày ở tiệm của ông Trần Văn Mỹ (chủ tiệm giày nổi tiếng nhất Sài Gòn trước năm 1975) nằm gần chợ Bến Thành.

Hướng mắt về tiệm giày nằm bên đường, anh Văn nói: “Tiệm giày đó trước năm 1975 là của ông Mỹ. Ngày đất nước thống nhất là ông Mỹ cùng gia đình định cư nước ngoài. Thời gian này, những người đam mê thời trang ở Sài Gòn một chút thoảng buồn khi tiệm giày họ hay lui tới bỗng dưng ngừng hoạt động.

 Mặc dù vậy, hằng ngày vẫn có hàng chục khách hàng đến tìm những người thợ trước đây làm cho ông Mỹ để nhờ họ làm, sửa giày, hay làm giày theo mẫu. Nhằm giữ lại thương hiệu của thầy, nhưng không có tiền thuê mặt bằng, cha tôi chọn vỉa hè làm nơi kế nghiệp”. Văn bén duyên với nghề từ năm lên 10 tuổi.

Có mặt tại nơi sửa giày của Văn vào buổi trưa mưa rơi lấm tấm, tuy khu vực các phương tiện lưu thông qua lại thưa thớt, nhưng nơi sửa giày của Văn vẫn có rất nhiều khách đứng đợi. Dăm ba phút là những người đi xe máy ghé qua í ới: “Giày anh xong chưa Văn, bao nhiêu vậy…”. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn là rất nhiều xế hộp, thậm chí là những dòng xe siêu sang như: Land Rover, Porsche, Mercedes… cũng dừng lại để đặt, sửa chữa lại giầy.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với nhóm thợ liên tục bị ngắt quãng, bởi họ liên tục nhận sửa, ghi mẫu, đo chân và đưa giày cho khách hàng. Đứng cạnh, anh Nguyễn Tất Thắng (35 tuổi, ngụ quận 7) cười nói: “Gần 10 năm qua, gia đình tôi là khách hàng quen thuộc của Văn, giày ở đây ngoài mẫu mã họ tạo đẹp ra thì chất lượng khó có tiệm giày nào ở Sài thành bì kịp, giá mỗi lần sửa chỉ vài chục ngàn đồng”.

Uy tín, chất lượng và tay nghề sửa giày của anh Văn ngày càng lan xa. Hơn 10 năm qua, những người hoạt động trong giới showbiz tìm đến nhờ Văn sửa những đôi giày có giá từ vài triệu cho đến vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng. 

“Cô Diễm My, chú Minh Vương, cô Lệ Thủy, người mẫu Bằng Lăng, ca sỹ Elvis Phương, Trang Đài,… hay ghé chỗ mình sửa. Mỗi lần mang giày đến sửa họ mang theo số lượng rất nhiều. Vừa rồi tôi đích thân mình bóp lại cho nhỏ một chiếc giày cho một người đẹp, nghe đâu cô ấy đang là thí sinh dự thi cuộc thi hoa hậu Việt Nam”.

Nơi trú ngụ trẻ em nghèo

Cầm chiếc giày của một người hoạt động trong giới showbiz, anh Chín (32 tuổi), một người thợ ở đây kể lại cuộc sống gia đình mình qua từng nhịp chỉ khâu. Ngày trước, anh mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm gần khu vực. Từ  khi có gia đình, rồi lần lượt từng đứa con ra đời khiến cuộc sống của đôi vợ chồng ngày càng khó khăn. Số tiền những cuốc xe ôm không đủ cho anh trang trải, được Văn ngỏ lời, hơn một năm qua anh vào học nghề và được Văn trả lương hàng tháng như những người thợ đã lành nghề.    

Mặc dù chỉ là ông chủ sửa giày đường phố, nhưng các người dân  biết chuyện dành cho anh Văn danh hiệu là “ông Bụt”. Bởi phần lớn những người phụ, học nghề sửa giày cho anh là những thân phận không may mắn, nhiều đứa trẻ sinh ra thiếu hơi ấm của cha, tình thương của mẹ, được Văn nhận về nuôi và truyền nghề, tạo công ăn việc làm.

Trường hợp hai anh em Thuận, Hòa (ngụ quận Thủ Đức) trước đó được Văn nhận vào học nghề từ năm 14 tuổi, lúc nào hai em luôn tươi cười với khách, nhưng ẩn đằng sau là nỗi đau, vết thương lòng của gia đình để lại. Lên 8 tuổi, người cha mất vì bệnh tật, hằng ngày hai anh em cùng mẹ đẩy chiếc xe hủ tiếu mưu sinh. Trong một lần ngồi trú mưa gần đó, thấy hai đứa trẻ có vẻ thích thú cái nghề sửa giày lề đường nên người mẹ xin Văn cho hai con vào học nghề.

Thợ lề đường sửa giày cho “sao” ảnh 1

Hai anh em Hòa, Thuận được anh Văn cưu mang.

“Trong mắt chúng em xem chú Văn như người cha, người mẹ thứ hai của mình. Ngoài công việc thì chú ấy cũng rất nghiêm trong việc dạy dỗ hai anh em nên người. Chuyện cơm nước, quần áo, chỗ ở chú ấy lo hết. Vui nhất là mình vừa học nghề mà vừa có tiền phụ gia đình. Cuối tháng cầm tiền lương về đưa cho mẹ mà thấy ấm lòng”, Hòa chia sẻ. 


Cùng cảnh ngộ, Trần Chí Linh (23 tuổi) quê Vĩnh Long bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ, cha bị tâm thần, người chị họ dắt về cưu mang. Gần 10 năm trước, trong một lần ghé sửa giày người chị đã xin anh Văn nhận Linh vào học nghề. 

Đến giờ, Linh là một trong những người thợ có tay nghề thuần thục nhất ở đây. Ngoài ra, anh Văn còn nuôi và dạy nghề hai anh em ruột Phú và Quí từ năm (16 tuổi, quê Lâm Đồng). Trước khi xuống Sài Gòn, Phú, Quí bỏ học, theo đám bạn lêu lổng. Gia đình dắt hai em xuống Sài Gòn nhờ Văn dạy nghề.

MỚI - NÓNG