Thịt heo thị trường TPHCM tăng 'phi mã' do khan hàng?

Thịt heo tăng phi mã kéo CPI tăng theo
Thịt heo tăng phi mã kéo CPI tăng theo
TPO - Kỳ vọng giá heo sẽ tiếp tục “leo thang”, giữ heo bán sang Trung Quốc có giá cao hơn nên có tình trạng không ít người găm hàng khiến giá thịt heo tăng chóng mặt.

Chiều ngày 30/12, Cục Thống kê TPHCM đã họp báo công bố số liệu tình hình kinh tế - xã hội năm 2019. Tại đây, vấn đề liên quan đến thịt heo rất được quan tâm.

Theo ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Cục thống kê TP, CPI năm 2019 tăng 3,84% so với năm 2018. Trong đó lĩnh vực có tác động nhiều đến CPI là giáo dục và thịt heo.

Tháng 8/2019 heo chỉ tăng nhẹ từ 2-3%/tháng. Đến tháng 10, 11/2019, khi có thông tin heo Trung Quốc tăng đến 300.000 đồng/kg thì lúc này mới thực sự tác động đến thịt heo trong nước. Có 2 tác động khiến thịt heo tăng giá là khan hàng và kỳ vọng cao.

“Do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi nên nguồn cung có giảm so với trước, nhưng kỳ vọng xuất khẩu sang Trung Quốc để có giá cao, kỳ vọng giá thịt heo sẽ còn lên nữa nên mới có tình trạng găm hàng, sốt giá. Tháng 11 heo tăng 11,9%, tháng 12 tăng 18% đã kéo theo thực phẩm tăng 4,25%, giá một số thịt khác cũng tăng theo như thịt bò tăng 9,6%, gia cầm 1,02%, thịt chế biến tăng 4,28%” – ông Tường cho hay.

Thịt heo thị trường TPHCM tăng 'phi mã' do khan hàng? ảnh 1 Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM thông báo về dịch tả heo châu Phi tại TPHCM

Chia sẻ rõ hơn về tình hình dịch tả heo châu Phi, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM cho rằng, dịch tả heo châu Phi xảy ra chậm hơn so với các tỉnh thành trong cả nước, như các tỉnh phía Bắc có dịch từ tháng 2, riêng TPHCM đến tháng 6 mới có dịch. TP đã có nhiều giải pháp và đã khống chế được vào tháng 11. Đến nay, đã qua 30 ngày, các khu vực có dịch nay cũng không còn. Những hộ có dịch chủ yếu nhỏ lẻ, sử dụng thức ăn chăn nuôi từ các nhà hàng, quán ăn. Toàn TP có 12 quận huyện xảy ra dịch bệnh với tổng số 965 hộ, trong đó hết 421 hộ gom thức ăn từ cơm thừa, thiệt hại hơn 66.000 con, chiếm 23,41% tổng đàn heo của thành phố.

“TPHCM đang khuyến cáo người dân thay đổi phương thức chăn nuôi, không sử dụng thức ăn thừa. Bên cạnh đó, các trang trại cũng đang có phương án tái đàn để có nguồn cung ổn định cho thị trường”- ông Phát nói.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước tăng 7,86% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng 7,89% của năm 2018.

Thịt heo thị trường TPHCM tăng 'phi mã' do khan hàng? ảnh 2 Thịt heo tăng giá kéo theo hàng loạt mặt hàng khác tăng theo

Trong đó, giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu đóng góp 55% trong GRDP và chiếm gần 90% trong khu vực dịch vụ. Tuy nhiên, trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu thì có đến 6 ngành có mức tăng thấp hơn là ngành thông tin và truyền thông, tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội.  

Báo cáo từ Cục thống kê TP năm 2019 cho thấy, trong năm qua thành phố chỉ thu được 36.000 tỷ đồng, trong khi hơn 100.000 tỷ đồng đã bị chuyển ra ngoài. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch sản xuất ra ngoài TPHCM, nơi có giá đất tốt hơn, lao động rẻ hơn.

Thông tin thêm về kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở tại TPHCM, đại diện Cục Thống kê TP cho hay hiện toàn thành phố có 37 hộ không có nhà ở (thay vì 39 hộ như công bố trước đây). Nhà ở theo quy định của Sở Xây dựng TP thì nhà gồm tường, sàn, mái.

Những hộ không có nhà là chủ yếu sống trên ghe xuồng, tập trung ở huyện Cần Giờ. Riêng 2 hộ sau khi xác minh đã có nhà ở thuộc quận 1 và quận 4. Việc sai sót này nằm ở khâu ghi nhận phỏng vấn người dân khi đi thống kê. Còn những người lang thang cơ nhỡ không tính diện tích nhà để ở, nhưng vẫn tính nhân khẩu tại TPHCM và sẽ điều tra riêng.

MỚI - NÓNG