Rào cản giấc mơ an cư

Nhiều gia đình công nhân vẫn phải sống chen chúc trong những phòng trọ chưa tới 12m2
Nhiều gia đình công nhân vẫn phải sống chen chúc trong những phòng trọ chưa tới 12m2
TP - Thủ tục xây nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội khó khăn, người mua nhà giá rẻ phải chịu nhiều chi phí cao hơn so với nhà thương mại, có tài sản thế chấp để vay vốn... chính là những rào cản khiến giấc mơ an cư càng trở nên xa xôi.  

Bỏ cuộc

Vợ chồng anh Minh Chí (30 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ Q.Phú Nhuận, TPHCM) vừa cưới nhau, có dư một số tiền nhỏ. Anh Chí quyết định tìm mua căn hộ vừa tầm để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, tham khảo 4-5 dự án nhà ở giá rẻ, gia đình anh vẫn chưa chọn được nơi phù hợp.

“Hai đứa thu nhập không được cao, nên chỉ đủ sức mua nhà ở giá rẻ. Thế nhưng mức giá đối với căn hộ 50m2 quận trung tâm rất đắt, ít nhất cũng 30-40 triệu đồng/m2. Kể cả là vay ngân hàng 80% đi nữa thì mức giá đó cũng quá cao so với thu nhập của cán bộ, viên chức. Ra ngoại thành, giá nhà dễ thở hơn đôi chút nhưng căn hộ lại không được cấp sổ hồng tại thời điểm mình mua. Chưa kể “cò” đất, “cò” nhà tạo cho tôi cảm giác không an toàn”, anh Chí nói.

Chia sẻ câu chuyện thực tế về nỗi khổ của nhân viên khi mua nhà giá rẻ, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu phát triển Công ty DKRA, kể rằng, nhiều người bỏ cuộc vì không thể đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi khi làm hồ sơ. “Có nhân viên phải di chuyển liên tục Sài Gòn - Bình Dương để làm hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội. Đủ thứ thủ tục như phải có KT3, hợp đồng làm việc dài hạn, sao kê thang bảng lương, chứng minh thu nhập, có nợ xấu ngân hàng không… Thế nhưng hơn nửa năm trời, hồ sơ vẫn chưa được xét duyệt. Quá nản, nhiều người bỏ cuộc dù rất khát khao sở hữu căn nhà cho riêng mình”, ông Hoàng nói.

Một kẽ hở trong việc quản lý nguồn nhà ở xã hội hiện nay là việc xét duyệt hồ sơ mua nhà đều giao hết cho chủ đầu tư tự làm. Do đó, lợi dụng điều này, không ít chủ đầu tư tự đưa những hồ sơ không hợp lệ vào xét duyệt tiêu chuẩn mua nhà để kiếm lợi. Nhà đầu tư còn móc nối với người bên ngoài, lách luật để “biến hóa” hồ sơ mua nhà hợp lệ.

Cần xem xét hợp pháp hóa nhà ở và cấp “sổ đỏ” cho “căn nhà nhỏ” của người có thu nhập thấp, người nghèo, kể cả cần xem xét giải quyết có lý có tình đối với trường hợp nhà “3 chung”. 


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM

Có nhu cầu mua nhà ở xã hội nhưng còn vướng một số điều kiện, chị Ngọc Bình (29 tuổi, ngụ Q.12, TPHCM) được một “cò” ngỏ ý giúp. Sau nhiều lần thư đi tin lại, chị Bình phát hiện ra phí chi cho “cò” còn cao hơn giá mua nhà thương mại nên đành dang dở giấc mơ.

Bài toán khó

Dù nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp rất cao nhưng nhiều dự án nhà ở xã hội đang bị “đóng băng”, do thủ tục pháp lý khi vay vốn còn nhiều vướng mắc, kể cả việc rao bán nhà cũng phải qua nhiều khâu xét duyệt, khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà khi đầu tư dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, nhiều dự án nhà xã hội vẫn chưa được công khai rộng rãi, khiến người mua cũng khó tiếp cận tìm hiểu. Nhất là chính sách vay vốn mua nhà, dù đã được Nhà nước hỗ trợ nhưng người mua phải chuẩn bị, xác minh hàng loạt giấy tờ mới làm được thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thế nhưng, khi hoàn thành thủ tục vay vốn, có người không thể đăng ký mua nhà vì căn hộ đang bị chủ đầu tư thế chấp.

Dẫn chứng từ chính công ty mình, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc công ty Lê Thành nói, ông nộp đơn xin triển khai dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh, TPHCM từ tháng 3 nhưng đến nay đơn vẫn nằm ở Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi đó, khu vực này nằm trong quy hoạch ưu tiên phát triển nhà ở xã hội. Với dự án cho thuê nhà ở cho người thu nhập thấp với thời hạn 49 năm, giá nhà chỉ 500 triệu đồng, hiện cũng không có nguồn cung mới. “Đất đai, lãi suất... doanh nghiệp có thể tự lo được và thực hiện theo quy định pháp luật. Chúng tôi chỉ kiến nghị Nhà nước nên giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp nhanh chóng nhất có thể, đồng thời cần có cơ chế riêng cho nhà ở xã hội để khuyến khích đầu tư”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, rào cản đối với người thu nhập thấp ở đô thị khi tạo lập nhà ở là thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền, thiếu nhà ở xã hội, thiếu nhà cho thuê giá thấp. Mặt khác, giá nhà cao gấp 20-25 lần so với thu nhập bình quân trong khi ở các nước phát triển, giá nhà chỉ gấp 5-7 lần. Nhà nước cũng chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị tạo lập nhà ở, ngoại trừ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2013-2016. Chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 cũng chỉ mới hỗ trợ tín dụng thuê, mua nhà được khoảng 1.000 tỷ đồng, trả góp trong 15 năm.

“Cần cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Đồng thời, với thực trạng có đến khoảng 42% nhà ở dưới 30m2/căn, thậm chí có đến 22,4% nhà ở dưới 20m2/căn đã đặt ra vấn đề cần xem xét lại, có thể quy định mức diện tích tối thiểu được tách thửa thấp hơn (quy định diện tích tối thiểu hiện nay là 36m2, 50m2, 80m2) để giải quyết bài toán nhà ở”, ông Châu kiến nghị.

MỚI - NÓNG