Nỗi niềm giấc mơ an cư: Quẩn quanh trong 'tổ chim'

Chị Kim Phượng hơn 15 năm làm công nhân tại TPHCM vẫn đang ở nhà trọ
Chị Kim Phượng hơn 15 năm làm công nhân tại TPHCM vẫn đang ở nhà trọ
TP - Nhiều người lao động đến TPHCM mưu sinh đều mong ước mua được căn nhà để an cư lạc nghiệp. Nhiều năm qua, mong ước ấy vẫn rất xa xôi khi giá nhà ngày càng cao, trong khi nguồn cung nhà giá rẻ khan hiếm.

Hơn 15 năm làm công nhân ở TPHCM, chị Nguyễn Thị Kim Phượng (49 tuổi, quê An Giang) vẫn thuê phòng trọ tại P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) để ở. Căn phòng chỉ rộng tầm 9m2, gồm cả nhà vệ sinh, chỗ ăn ngủ của 4 người nhà chị Phượng.

“Nhà trọ bất tiện đủ thứ, mưa thì ngập, nắng thì nóng như lò nung; chưa kể năm nào cũng lên giá. Chúng tôi cũng ước ao mua được căn nhà nhỏ tại TP, nhưng chắc chỉ dám mơ vậy thôi chứ làm gì có điều kiện” - chị Phượng trải lòng.

Gần khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) có rất nhiều dãy nhà trọ xếp san sát nhau, quần áo treo mắc đầy lối đi nội bộ. Với giá thuê từ 1,2-1,5 triệu đồng/phòng (chưa kể điện, nước), phòng nào cũng có 3-4 người. Khi chúng tôi đến, con đường nội bộ ngập nước, đủ thứ mùi từ thức ăn, quần áo, mùi ẩm mốc... hòa trộn tạo cảm giác khó chịu.

Gọi căn phòng trọ của mình là “tổ chim” chỉ để ăn - ngủ, anh Tiền Kim Tiến (35 tuổi, quê Bạc Liêu) bảo, chẳng dám mua sắm gì ngoài “của cải” là chiếc tivi và xe máy. Nhà nhỏ quá, nằm còn chẳng dám thẳng chân thì nào dám nghĩ đến tiện ích khác. Lên Sài Gòn, anh Tiền làm phụ hồ, vợ làm công nhân, lương 2 vợ chồng tổng cộng gần 15 triệu đồng/tháng, thuê nhà hết 1,2 triệu đồng, ăn uống tiết kiệm lắm để dành tiền gửi về quê nuôi 2 con nhỏ. “Nhiều lúc nhớ con, tôi cũng muốn đem con lên sống gần cha mẹ, nhưng ngặt nỗi còn nhiều khó khăn quá. Thôi cứ ráng được lúc nào hay lúc đó, chẳng dám nghĩ đến chuyện mua nhà cửa gì hết, cô ơi” - anh nói.

Không chỉ người lao động tự do mà cả cán bộ nhà nước cũng chật vật với mơ ước an cư. Chị Kim Cương (30 tuổi, nhân viên truyền thông) đang thuê trọ ở Q.Tân Bình chia sẻ, chị sắp lập gia đình nên muốn mua căn hộ chung cư để ổn định cuộc sống. Chị bảo, có nghe nói các dự án nhà ở xã hội nhưng không biết dự án đó ở đâu và đối tượng, thủ tục mua như thế nào, vay vốn ngân hàng ra sao, người lao động chưa có hộ khẩu ở TPHCM có được mua hay không… “Nghe nhà giá rẻ ai cũng ước mơ. Tuy nhiên, số lượng khiêm tốn, thông tin hạn chế, thủ tục phức tạp thì rất khó để người lao động tiếp cận” - chị nói. Chị mong cơ quan nhà nước làm sao để suất mua nhà ở xã hội mới đến đúng đối tượng cần mua.

Người dân vẫn gặp khó bởi cách làm việc thiếu trách nhiệm của một số chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Chị Như Ý (ngụ Q.6) dù đủ tiêu chuẩn mua NƠXH nhưng vẫn gặp khó khăn khi làm thủ tục vay vốn và bị trả lại hồ sơ với lý do “tài sản đang bị thế chấp tại một tổ chức tín dụng”. Chị đặt nghi vấn: “Luật quy định rõ về việc người dân khi mua NƠXH được thế chấp chính căn hộ đã mua để vay vốn để thanh toán tiền mua nhà, nhưng nay tài sản này lại bị chủ đầu tư mang đi thế chấp trước đó. Vậy chúng tôi làm sao được vay vốn. Phải chăng chủ đầu tư đang làm khó người dân mua NƠXH?”.

Mới đáp ứng 15% nhu cầu

Theo khảo sát gần đây của Sở Xây dựng và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thành phố có khoảng 500.000 hộ dân chưa có nhà, trong đó có khoảng 81.000 hộ cần NƠXH trong giai đoạn 2016- 2020. Chỉ tính riêng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại thành phố, khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, cần khoảng 80.000 căn hộ. Trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của thành phố, có đến 284.000 người (chiếm 70,6%) có nhu cầu nơi lưu trú, nhưng hiện chỉ mới giải quyết được chỗ ở cho 39.400 người, chiếm khoảng 15% nhu cầu.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, nhu cầu nhà ở vừa túi tiền, NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê giá rẻ ở TPHCM trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn. Trong khi đó, theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng TPHCM, từ nay đến năm 2020, TPHCM phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng 30.000 căn, trong đó 20% dành để cho thuê, 60% để bán trả góp dài hạn, 20% dành cho chủ đầu tư bán thương mại để bù đắp chi phí.

Vì sao doanh nghiệp ít mặn mà với nhà dành cho người có thu nhập thấp? Tổng giám đốc một công ty bất động sản phát triển nhà giá rẻ ở TPHCM phân trần: “Chúng tôi có quỹ đất để dành, cũng ấp ủ muốn làm những công trình nhà giá rẻ nhưng khi bắt tay vào làm thì nhận ra rằng chắc chắn lỗ nặng, vì dù dự án là nhà ở giá rẻ nhưng các tiêu chuẩn để Nhà nước chấp thuận cho chủ đầu tư được đủ điều kiện bàn giao cho khách hàng lại bị áp theo tiêu chuẩn nhà ở thương mại, rất khó cho doanh nghiệp”.

Người thu nhập thấp được vay 900 triệu đồng mua nhà

UBND TPHCM vừa quyết định điều chỉnh hạn mức, thời hạn cho vay đối với đối tượng có thu nhập thấp vay tiền tại Quỹ Phát triển nhà ở TP (HOF) để tạo lập nhà ở. Cụ thể, hạn mức vốn vay tăng từ 500 triệu đồng lên 900 triệu đồng/hồ sơ. Thời hạn cho vay tối đa là 20 năm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 27/6.

Mức vốn vay tối đa là 70% giá trị căn hộ, nhà nhưng không vượt quá 900 triệu đồng/hồ sơ. Lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh từng thời kỳ theo quyết định của UBND TPHCM. Hiện tại, mức lãi suất được áp dụng là 4,7%/năm.

“Giải pháp An cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” là chủ đề của Hội thảo do báo Tiền Phong tổ chức sáng 24/9 tới tại TPHCM. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, BR-VT, Tây Ninh; lãnh đạo các hiệp hội bất động sản, các viện kinh tế phát triển, các khu chế xuất, khu công nghiệp ở khu kinh tế trọng điểm, các doanh nghiệp tại khu vực phía Nam. Tại hội thảo, khách mời là đại diện các cơ quan, các chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ cùng bàn bạc nhiều vấn đề như: Làm sao để công nhân lao động thoát khỏi cảnh ở trọ, có được nhà ở; vai trò của chính quyền địa phương, của các ban ngành đoàn thể trong việc chăm lo đời sống cho công nhân lao động; tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp đầu tư xây nhà cho công nhân…

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.