Thịt bơm nước tràn lan, làm cách nào để tránh?

Thịt bày bán tại các quầy trong chợ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Phạm Anh.
Thịt bày bán tại các quầy trong chợ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Phạm Anh.
TPO - Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) vừa cho biết, tình trạng bơm nước vào gia súc trước và sau khi giết mổ vẫn còn diễn ra  tại một số địa phương và có chiều hướng phức tạp, thủ thuật tinh vi hơn.  

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Theo ông Đàm Xuân Thành - Cục phó Cục Thú y, bơm nước vào gia súc là hành vi gian lận thương mại, gây mất an toàn thực phẩm. Lượng nước bẩn bơm vào nhiều, gây áp suất thẩm thấu lớn, các loại vi sinh vật gây tiêu chảy như Vibrio chorela, Ecoli…và các chất độc hại từ nguồn nước bẩn cũng được thẩm thấu.

Từ đó làm thịt bị nhiễm bẩn, thậm chí có cả mùi hôi, thịt rất mau hỏng (nếu 5-6 giờ nếu không bán hết, thịt sẽ sẫm màu, có mùi hôi).

Lãnh đạo Cục Thú y cho biết, đối với cá nhân có hành vi đưa nước vào động vật trước và sau khi giết mổ bị phạt 5-6 triệu đồng; buộc chuyển đổi mục đích thịt bị bơm nước làm thức ăn chăn nuôi; phạt tiền 2 lần mức trên với tổ chức vi phạm.

Theo ông Thành, với các hành vi vi phạm trên, có thể áp dụng hình thức phạt tiền theo giá trị sản phẩm, các hình thức phạt bổ sung, khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, những quy định trong Nghị định 119 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi đang có nhiều bất cập. Bộ đang chỉ đạo rà soát, sửa đổi nghị định trên phù hợp với Luật Thú y vừa ban hành.

Dẫu vậy, ông Thành cho rằng, khi xử phạt, có hành vi tăng không cần tăng tiền, sản phẩm có thể bị tiêu hủy, “bêu” tên cá nhân, tổ chức vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí phải hình sự hóa.

Cách phân biệt thịt tươi và thịt bơm nước?

Ông Thành cho biết, đối với gia súc, khi bị bơm nước có biểu hiện lừ đừ, mệt mỏi, thở gấp, bụng căng cứng bất thường, miệng nhỏ nhớt dãi hoặc ói mửa nước vàng nhạt lẫn bọt; miệng con vật còn hằn vết khớp mõm.

Người tiêu dùng có thể dựa độ tươi, đàn hồi, độ dính chứ không chỉ dựa vào màu sắc. Tuy nhiên, việc phân biệt thịt lợn, trâu, bò bị bơm nước là rất khó, bản thân trong thịt cũng chứa một tỷ lệ nước nhất định. Mặt khác, tùy thuộc từng loại giống, nuôi với chế độ thức ăn khác nhau, thịt sẽ có màu khác nhau.

Tuy nhiên, cũng có một số đặc điểm có thể phân biệt  thịt tươi ngon và thịt bị bơm nước. Theo đó, miếng thịt tươi ngon sẽ có độ săn chắc nhất định, sợ vào miếng thịt có cảm giác đàn hồi, khô và dính. Miếng thịt có thớ thịt nhỏ, ánh màu sáng, sờ tay có độ dẻo dính.

Tại các quầy kinh doanh thịt, có thể dùng ngón tay nhấn lên miếng thịt, nếu thấy bề mặt tạo thành vết lõm và nhanh chóng phục hồi khi nhấc tay ra, là thịt tươi ngon, còn ngược lại là thịt kém chất lượng.

Thịt từ gia súc bị bơm nước trước khi mổ có màu thịt nhạt hơn, để 1-2 giờ, thịt rỉ nước ra nhiều hơn bình thường. Thịt từ gia súc bị bơm nước không có độ dẻo, khi ấn tay vào thấy bùng nhùng, quan sát kỹ sẽ thấy rỉ nước ra.

MỚI - NÓNG