Tràn lan thịt bơm nước, dấu kiểm dịch giả

Giết mổ gia cầm công khai tái diễn tại nhiều chợ ở Hà Nội. Ảnh: N.Tú.
Giết mổ gia cầm công khai tái diễn tại nhiều chợ ở Hà Nội. Ảnh: N.Tú.
TP - Gia súc, gia cầm gầy, không rõ nguồn gốc được bơm nước cho bóng, đẹp và nặng cân hơn. Nhiều cơ sở kinh doanh thịt dùng con dấu giả để đóng dấu kiểm dịch thú y…

Đủ nỗi lo            

“Cứ mỗi dịp Tết, anh em phải căng mình, thức đêm thức hôm chống dịch với gà vịt. Cả chợ có 162 hộ kinh doanh gia cầm với số lượng buôn bán hằng ngày rất lớn, vì thế công tác kiểm dịch cũng được thắt chặt, mỗi xe vào chợ phải trình được giấy tờ xuất xứ, nguồn gốc, phun thuốc sát trùng”, ông Lê Xuân Viết, Trưởng Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín, Hà Nội)-nơi được xem là chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc cho biết. Hiện trung bình mỗi ngày chợ Hà Vỹ tiếp nhận khoảng từ 20 đến 40 tấn gia cầm với số lượng lên tới hàng chục ngàn con ở khắp nơi đổ về. Việc chống dịch cúm là thách thức lớn đối với Ban quản lý chợ và lực lượng liên ngành ở đây.

Còn tại các chợ nhỏ lẻ ở Hà Nội như chợ Xa La (Hà Đông), chợ Linh Đàm (Hoàng Mai), chợ Nam Trung Yên (Cầu Giấy)…, người tiêu dùng lúc nào cũng có thể mua gia cầm sống và giết thịt ngay tại chỗ. Đa số hộ kinh doanh đều giết thịt “chui” nên việc giết mổ khá ô nhiễm. Các hộ kinh doanh gia súc gia cầm chỉ cần một nồi nước nóng, là đủ giết cả chục con gia cầm. “Vì tiện dụng nên khi mua gà vịt, người ta thường làm thịt giúp. Nhưng nói thật, mình vẫn lo ngay ngáy vì dịch bệnh”, chị Nguyễn Thị Mai Hoa ở quận Cầu Giấy cho hay.

Không chỉ mối lo về dịch bệnh mà nguồn gốc không rõ ràng, sử dụng chất lạ trong kinh doanh thực phẩm gia súc, gia cầm bán trên thị trường trong dịp Tết đang làm “đau đầu” các cơ quan quản lý. Mới đây, kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, gia cầm sạch tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục QLTT Hà Nội) phối hợp với lực lượng công an đã phát hiện nhiều sai phạm về kinh doanh, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, kiểm tra cơ sở kinh doanh gia cầm “Hòa Hạnh” đoàn liên ngành bắt quả tang nhân viên của cơ sở đang bơm vào gà để làm tăng trọng lượng và đóng con dấu giả của Chi cục Thú y vào sản phẩm gà thịt. Bên trong cơ sở, đoàn liên ngành phát hiện trên 500 kg gà, chim bồ câu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch.

Chủ cơ sở kinh doanh khai nhận, số gà trên chủ yếu được mua gom và nhờ người chở về từ chợ Hà Vỹ. Sau khi nhập về, gà gầy, gà xấu sẽ được bơm nước để trở nên bóng, đẹp và nặng cân hơn. Con dấu kiểm dịch thú y mà cơ sở kinh doanh đang sử dụng, đóng trên sản phẩm gà thịt là con dấu giả. Cơ quan chức năng đã thu giữ camera của chính cơ sở này để phục vụ công tác đấu tranh, xử lý.

Truy tận cùng nguồn gốc thực phẩm

Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, khó khăn nhất đối với thành phố hiện nay là việc quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Hiện tình trạng lò mổ tư nhân, lò mổ “chui” vẫn phát triển, ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. “Thời điểm này dễ bùng phát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm. Trong khi, tại các chợ đầu mối, chợ tiêu dùng nhỏ lẻ việc giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra hằng ngày với số lượng lớn mà chưa được kiểm soát chặt chẽ”, đại diện Sở NN&PTNT cho biết. Mặt khác, trong tổng số 12.000ha rau sạch mà thành phố đang có, ngành chức năng mới dán tem chứng nhận rau an toàn cho khoảng 5.000ha, số còn lại chưa kiểm soát được chất lượng.

Dù mới ra quân kiểm tra thị trường thực phẩm Tết, song theo Sơ Công Thương Hà Nội đã phát hiện rất nhiều sai phạm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đơn cử trong tháng 12/2014, Chi cục QLTT Hà Nội đã phát hiện và ngăn chặn khoảng 15 tấn thịt trâu không rõ nguồn gốc chuẩn bị gắn mác thịt bò tuồn ra thị trường.

Nhưng điều mà người tiêu dùng lo lắng nhất là nếu thịt trâu được ngâm, tẩm hóa chất để có màu sắc giống thịt bò sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe: “Theo kế hoạch 6 đoàn kiểm tra liên ngành thành phố về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường kiểm tra thị trường trong dịp Tết từ nay đến hết tháng 3. Trong đó, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, truy tận cùng nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm sai phạm để xử lý triệt để. Đặc biệt, tổ chức kiểm tra đột xuất, tuyệt đối không báo trước cho đơn vị được kiểm tra”, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho hay.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết đang kiến nghị lập đường dây nóng để người dân nếu phát giác cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, kinh doanh hàng giả, không đảm bảo an toàn, có thể báo cho chính quyền sở tại hoặc cơ quan chức năng, để thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Lập hàng chục đoàn kiểm tra thực phẩm Tết

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thạc sỹ Trần Việt Nga, cho hay, đơn vị đã lập nhiều đoàn công tác tăng cường đi giám sát, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội. Ngoài Hà Nội, đơn vị còn cử đoàn về các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Lào Cai… với mục tiêu giảm thiểu số ca ngộ độc thực phẩm dịp Tết xuống ít nhất 10%.

Theo bà Nga, hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh khi kiểm tra còn có những sai phạm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm như: cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chưa được khám sức khỏe, nhiều mặt hàng đường phố chưa tuân thủ các điều kiện.

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, dịp này, các đội quản lý thị trường được “lệnh” tăng cường giám sát ngày đêm. Khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm đơn vị sẽ truy nguồn, xử lý.

Nguyễn Hà

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.