Thịt bò Australia đang tràn ngập thị trường

Các doanh nghiệp đang tăng cường nhập khẩu từ Australia khi tổng đàn trong nước giảm mạnh, bò từ Thái Lan, Campuchia, Lào cũng sụt một nửa.
Thịt bò Australia đang tràn ngập thị trường ảnh 1

Việt Nam không có diện tích đồng cỏ lớn để chăn nuôi bò như Australia. Ảnh: SM.

Khảo sát của VnExpress.net gần đây cho thấy, thịt bò ngoại bán tại siêu thị trong nước ngày càng gia tăng, nhiều nhất là bò Australia. Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, thịt bò Australia trưng bày tại quầy nhiều gấp đôi so với trước. Nếu trước đây, một siêu thị tiêu thụ chỉ vài kg thì nay đã lên vài chục kg. Tương tự, tại Big C nếu trước đây chỉ có bò Australia đông lạnh thì nay thịt tươi cũng được bày bán nhiều với đầy đủ các loại khác nhau như nạc đùi, bắp…

Giá thịt bò Australia tươi thành phẩm tại các siêu thị và cửa hàng trong nước hiện dao động 240.000-280.000 đồng một kg (loại nạc đùi), 200.000-240.000 đồng (loại bắp bò)… Còn bò nội, giá cũng dao động 150.000-270.000 đồng một kg, tùy loại. 

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho hay, kim ngạch nhập khẩu bò sống từ Australia về Việt Nam tăng mạnh. Năm 2012, Việt Nam mới bắt đầu nhập khoảng 3.000 con, nhưng đến 2013 đã tăng lên 70.000. Nửa đầu năm nay, con số này đã là 72.000 con, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, đến hết cuối năm nay sẽ có khoảng 150.000 con bò Australia  được nhập vào Việt Nam, chưa kể đến lượng bò ngoại đông lạnh. Theo số liệu thống kê trên thế giới, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về tiêu thụ thịt bò Australia.

Theo ông Vang, nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong nước ngày càng tăng trong khi đó sản lượng nội địa không nhiều, chỉ phục vụ đủ cho địa phương nơi có chăn nuôi. Mặt khác, trước đây Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia, Lào thì nay số lượng đã giảm đi một nửa. Do vậy, để bù đắp thiếu hụt, doanh nghiệp buộc phải gia tăng nhập khẩu từ Australia.

Hiện tại, trâu, bò sống nhập khẩu từ Australia, New Zealand và các nước ASEAN vào Việt Nam phải chịu thuế 5%. Còn phụ phẩm trâu bò tươi hay ướp lạnh chịu mức thuế 8%. Đây cũng là một lý do khiến doanh nghiệp thích nhập hàng nguyên con còn sống.

Đồng nhận định với ông Vang, ông Văn Đức Mười, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, đơn vị này bắt đầu nhập khẩu bò Australia sống về giết mổ từ tháng 9/2013 vì nguồn cung trong nước không đủ. Một số bò mang mác nội địa, thực chất là từ Thái Lan, Lào, Campuchia được dắt qua biên giới An Giang, Lao Bảo, số lượng cũng đang giảm mạnh. Bò Việt Nam trọng lượng nhỏ, khoảng 250 kg một con, sản lượng cho thịt thấp, chỉ đạt 50% sau khi giết mổ. Trong khi đó, bò Australia có trọng lượng bình quân 500 kg một con, cho tỷ lệ thịt là 55%. Hiện, bò Việt Nam rất hiếm và công ty cũng không mua được bò trong nước nên buộc phải mua bò Australia từ các đơn vị nhập khẩu trong nước về bán.

Báo cáo gần đây của Hiệp hội chăn nuôi cho thấy, thực tế tổng đàn bò thịt và bò sữa cả nước chỉ 6,72 triệu con, trong đó bò thịt 6,62 triệu con năm 2007 đã giảm xuống còn 4,97 triệu con năm 2013. Trong khi đó bò nhập khẩu tăng đáng kể, với 162.000 con bò thịt, chiếm 17,5% tổng số thịt tinh đại gia súc năm 2013. Do đó, trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây đã xác định sẽ đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt làm lợi thế để tăng giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Vang sẽ rất khó để nói rằng trong tương lai Việt Nam sẽ không nhập khẩu thịt bò nữa, bởi lẽ chúng ta không có lợi thế về đồng cỏ cũng như đất đai chăn nuôi như Australia hay Ấn Độ. 

"Trung bình mỗi con bò nuôi kiểu chăn thả cần gần một ha đất trồng cỏ, trong khi đó Việt Nam không nhiều đất để trồng cỏ. Cả nước chỉ có 9,6 triệu ha đất dành cho nông nghiệp, cho nên để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu", ông Vang giải thích thêm.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, 6 tháng đầu năm lượng thịt lợn nhập khẩu đạt 1.646 tấn, chiếm 0,1% tổng số thịt lợn tiêu thụ. Thịt trâu, bò không xương đạt 301 tấn, có xương là 14.532 tấn, bò sống Australia 72.200 con, gấp hơn 2 lần so với 2013. Tổng nhập khẩu thịt trâu, bò quy đổi năm nay dự kiến chiếm 20% tổng số trâu bò tiêu dùng, tăng gần 3% so với năm ngoái.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.