Thực hư chuyện bán phá giá bò Úc trong nước
> Doanh nghiệp không mua được bò Úc
> Thịt bò ngoại ‘đánh bạt’ bò nội
> Thịt bò Úc 'gây bão' ở thị trường Việt Nam
Trước thông tin Úc ngưng bán bò cho Việt Nam vì nghi ngờ bán phá giá và trốn thuế, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng 'đây là lời đồn', thực tế bò Úc nhập khẩu giảm mạnh là do khan hiếm nguồn cung.
Chỉ là lời đồn thổi
Nhiều doanh nghiệp cho biết không có chuyện Úc ngưng bán bò cho Việt Nam vì bán phá giá, thực tế các công ty vẫn đang nhập khẩu bò Úc về Việt Nam bình thường, nhưng chậm hơn trước vì khan hiếm nguồn cung từ các nhà xuất khẩu Úc.
Sản lượng thị bò Úc cao hơn thị các loại bò trong nước. Bò Úc cho 55% tỷ lệ thịt sau khi giết mổ, còn bò vàng Việt Nam đạt khoảng 45-50% tỷ lệ thịt. Ảnh: Uyên Viễn. |
Trao đổi với TBKTSG Online hôm 4/12, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 tại TPHCM cho biết, nguồn cung bò khan hiếm là do phía Úc vừa đạt thỏa thuận bán cho Indonesia mấy trăm ngàn con bò, thời điểm giao hàng là vào quí 1/2014. Vì thế, có thể đây là nguyên nhân chính khiến Úc giảm số lượng bò bán cho doanh nghiệp Việt Nam để tập trung cho thị trường này.
Theo Cơ quan Thú y vùng 6, trong 11 tháng của năm 2013 Việt Nam đã nhập khẩu 40.288 con bò từ Úc.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, doanh nghiệp hàng đầu về chế biến thịt heo, bò, cũng thừa nhận, đúng là có tình trạng khan hiếm bò Úc. Bởi theo lời ông Mười, thông báo của các nhà cung cấp cho Vissan, đến ngày 9-12, đợt bò mới mới về nên Vissan phải giảm lượng giết mổ 15% để cân đối lượng bò giết mổ từ nay đến lúc đó.
Hiện mỗi ngày, Vissan chỉ giết mổ 40 con bò Úc, giảm 10 con so với trước. Hiện tại, ngoài những doanh nghiệp lâu nay nhập bò Úc, thực hiện nghiêm túc quy trình thanh toán, thuế, điều kiện nuôi nhốt, quy trình giết mổ… được tiếp tục nhập khẩu bò Úc. Song song đó, số lượng bò bán cho Việt Nam cũng giảm tuy nhiên đó chỉ là nhất thời.
Những thị trường nhập khẩu bò truyền thống của Việt Nam như Lào và Campuchia giảm cũng là nguyên nhân đẩy lượng nhập khẩu bò Úc tăng cao từ đầu năm đến nay.
Theo ông Nguyễn Văn Đang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, trung bình mỗi tháng Việt Nam nhập khoảng 3.600 con bò từ Úc để giết thịt. Nguyên nhân để Việt Nam nhập bò từ Úc tăng đột biến trong năm nay là do nguồn cung bò để giết thịt từ Lào, Campuchia giảm.
Lâu nay, Việt Nam thường nhập bò từ từ các quốc gia có chung biên giới đưa về Việt Nam tiêu thụ nhưng năm nay, theo số liệu từ các địa phương gởi về cho thấy lượng bò nhập đã giảm. "Vì thế, doanh nghiệp trong nước cần nhập bò từ Úc để cung cấp cho thị trường”, ông Đang nói.
Vì nguồn cung thay thế là thị trường Úc giảm mạnh nên đã tạo ra những lời đồn thổi tiêu cực, gây xáo trộn thị trường trong nước. Về lâu dài, thị trường sẽ ổn định hơn khi nguồn cung từ Úc dồi dào trở lại.
Ông Văn Đức Mười, cũng xác nhận thông tin này và cho biết thêm, trước năm 2013, thực chất, nguồn bò thịt tiêu thụ ở Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar qua các cửa khẩu Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang), Lao Bảo (Quảng Trị). Lượng bò nhập khẩu này đã trở thành nguồn bò trong nước và phân phối khắp các vùng miền trên cả nước.
Từ khi bò Úc nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam đã cân đối được nguồn cung và tạo nên một thị trường ổn định về giá cả, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vì Úc được xem là một ngành công nghiệp chăn nuôi sạch, không dịch bệnh.
Mỗi con bò Úc có trọng lượng trung bình là 500 ki lô gam, trong khi giống bò vàng Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar chỉ nặng tầm 250 ki lô gam.
Sản lượng thị bò Úc cao hơn thị các loại bò trong nước. Bò Úc cho 55% tỷ lệ thịt sau khi giết mổ, còn bò vàng Việt Nam đạt khoảng 45-50% tỷ lệ thịt.
Ông Lưu Sơn Thủy, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thủy Hà, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, Long An, tham gia nhập khẩu bò Úc, cũng cho hay, nguyên nhân Indonesia giảm mua bò Úc (từ 2012-2013) vì trước đây nước này bị Úc lên án là ngược đãi súc vật trong quá trình giết mổ (dùng búa đập đầu con bò cho chết). Từ quí 4/2013, do Indonesia đã khắc phục được nhược điểm trên nên đã nhập khẩu lại bò Úc.
Trong thời gian Indonesia giảm nhập bò Úc, phía Úc đã mở rộng sang thị trường Việt Nam để bù vào lượng dư thừa do Indonesia giảm mua.
Nay Indonesia tăng nhập bò Úc với số lượng lớn nên Úc ưu tiên bán bò cho Indonesia, siết lại việc xuất bán cho Việt Nam.
Indonesia có lợi thế hơn Việt Nam trong thời gian vận chuyển bò từ Úc về chỉ mất 4 ngày, nên tiết giảm được nhiều chi phí, dẫn đến giá thành giảm, trong khi đó thời gian vận chuyển bò Úc đến Việt Nam mất tới 9 ngày. Thị trường Indonesia tiêu thụ 400.000 con bò Úc/năm trong khi Việt Nam ít hơn nhiều.
Ngoài ra, thời điểm từ tháng 11 đến tháng 4 ở Úc vào mùa mưa, nhờ đó mà cỏ phát triển nhiều, nhờ nguồn thực phẩm tự nhiên đó mà các trang nuôi bò đang bước vào chu kỳ dưỡng đàn nhằm tăng trọng lượng cho bò, vì thế mà hạn chế xuất khẩu dẫn tới thị trường khan hiếm thịt.
Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không kéo dài lâu vì Việt Nam là thị trường mới và đang tiêu thụ bò Úc rất tốt. Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 40.000 con bò Úc xuất bán vào Việt Nam, dự kiến sang năm 2014 nhu cầu nhập bò Úc sẽ tăng thêm mặc dù giá sẽ tăng.
Bò Úc vẫn có giá cao hơn
Các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu bò Úc cũng cho rằng, thông tin bò Úc đang được bán giá rẻ ở thị trường Việt Nam là không đúng sự thật, bởi thực tế giá bò Úc nhập về và bán ra thị trường vẫn cao hơn giá trong nước.
Thịt bò Úc nhập khẩu về Việt Nam vẫn cao hơn giá thịt bò trong nước. Ảnh: Uyên Viễn. |
Ông Thủy cho biết hiện nay nhu cầu tiêu thụ thịt bò Úc đang tăng trên thị trường toàn cầu chứ không chỉ có Việt Nam, chính vì thế giá cũng tăng khoảng 40 cent/ký bò hơi. Hợp đồng giữa công ty được ký với hai nhà cung cấp bò Úc sẽ cập nhật giá theo mỗi tháng, và hết tháng 12/2013 hợp đồng sẽ hết hạn. Sang năm 2014 hợp đồng mới sẽ được ký, nhiều khả năng bò Úc sẽ tăng giá.
Trước đây tại Việt Nam thịt bò Úc đông lạnh nhập khẩu được bán ra thị trường có giá từ 400.000-500.000 đồng/kg. Từ tháng 6-2013, thịt bò Úc tươi được giết mổ trong nước theo công nghệ và sự kiểm tra, giám sát của Úc, giá thịt bán ra trên thị trường đã giảm khoảng một nửa so với trước.
Thịt bò Úc đông lạnh kể từ đó bị chựng lại vì người tiêu dùng không ưa chuộng nữa, hơn nữa không rõ nguồn gốc, giá bán lại cao. Sự góp mặt của bò sống nhập từ Úc, giết mổ tại Việt Nam đã góp phần làm bình ổn giá trên thị trường. Giá mỗi ký thịt bò Úc hiện đắt hơn bò Việt Nam từ 5.000-10.000 đồng/ký nhưng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bình luận về vấn đề này, ông Đang khẳng định, giá thành một ký bò hơi của Úc vào khoảng 58.000 đồng/kg, còn bò hơi đang bán trên thị trường hiện nay là 65.000 đồng/kg. Sau khi xẻ thịt để bán thì giá thịt bò của Úc khi nào cũng cao hơn thịt bò Việt Nam khoảng 10-15%.
Trên trang siêu thị thịt bò của Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ du lịch Gia Định, TPHCM hiện đang chào bán 20 mặt hàng thịt bò Úc với giá thấp nhất là 95.000 đồng/kg và cao nhất là 270.000 đồng/kg (đùi bò), còn thịt bò Việt Nam có 12 mặt hàng, giá rẻ nhất là xương bò với giá 50.000 đồng/kg, còn cao nhất là thịt đùi với giá 191.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận của TBKTSG Online hôm 4/12, giá mặt hàng bò Úc phân phối ở các cửa hàng thực phẩm trực thuộc công ty Vissan, đơn vị đã ký hợp đồng giết mổ và phân phối bò Úc từ các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hầu như không thay đổi.
Các sản phẩm phi-lê, đùi, nạm, bắp có giá lần lượt là 320.000 đồng/kg, 250.000 đồng/kg, 135.000 đồng/kg, 225.000 đồng. Sản phẩm bò Úc của một số đơn vị nhập khẩu khác có giá không chênh lệch đáng kể so với sản phẩm của hệ thống Vissan. Cụ thể, bò Úc, dạng thịt ba chỉ có giá 200.000 đồng/kg, bắp bò Úc có giá 250.000 đồng/kg.
Trong khi đó, ghi nhận tại các chợ lẻ, giá một số mặt hàng thịt bò ta đã tăng trung bình 10.000 đồng/kg so với nửa tháng trước. Cụ thể thịt thăn bò loại 2 từ 230.000 đồng lên 240.000 đồng, loaị 1 lên 250.000 đồng lên 260.000 đồng/kg.
Theo Kinh tế Sài Gòn