Ngày 8/12, tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, trả lời các câu hỏi đại biểu liên quan đến tình trạng quá tải đối với bệnh viện Sản phụ - Nhi Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến (Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng) cho biết: Năm 2012 bệnh viện này được thành lập với quy mô 600 giường, tuy nhiên sau 1 năm đi vào hoạt động đã quá tải. Từ 600 giường, bệnh viện này nay lên đến 1.650 giường, công suất sử dụng giường đạt từ 175%- 185%. Từ năm 2013, thành phố đã xây dựng dự án nâng cấp mở rộng bệnh viện từ nguồn ngân sách trung ương. Nhưng dự án này đã không được Quốc hội đồng ý đưa vào danh mục đầu tư công từ nguồn vốn của chính phủ, do đó đang gặp khó khăn về nguồn vốn.
Tổng số vốn đầu tư của dự án nâng cấp bệnh viện này là hơn 2.200 tỷ đồng. Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng đây là con số quá lớn, vượt quá khả năng cân đối của địa phương. Do đó cần đổi mới tư duy, không dựa vào vốn ngân sách. Cái gì tư nhân làm tốt thì phải tạo điều kiện bởi Nhà nước không có khả năng làm tất cả. Cần tính đến việc liên kết công tư trong việc xây dựng mở rộng quy mô bệnh viện để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của cả khu vực, không riêng gì Đà Nẵng.
Ông Anh đơn cử, việc giao tư nhân làm sân bay quốc tế Đà Nẵng giai đoạn 2 với hơn 3.500 tỷ đồng chỉ sau 1 năm đã gần hoàn thành. Nếu không giao tư nhân làm thì không bao giờ có sân bay như hiện nay. “Nếu để Nhà nước làm sẽ không bao giờ có sân bay quốc tế Đà Nẵng, thủ tục cơ bản chưa xong nói gì đến khởi công.... Tư nhân làm sẽ không có chuyện nhiêu khê, ngâm, bôi trơn. Tiền của người ta đi vay nên họ biết xót, làm cho nhanh, cho hiệu quả”, ông Anh nói.
Trong khi đó, lo ngại về tình trạng kẹt xe, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị phải siết lại việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng ở khu trung tâm cũng như việc nhập cư.
“Buộc” chủ tịch 4 huyện chậm trễ GPMB chịu trách nhiệm
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hải Phòng khoá 15 diễn ra sáng 8/12 tiếp tục “nóng” khi ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu chủ tịch UBND 4 huyện phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND TP nếu vẫn chậm trễ giải phóng mặt bằng (GPMB) quốc lộ 10.
Trả lời chất vấn về công tác GPMB quốc lộ 10 chạy qua 4 huyện An Dương, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thừa nhận việc GPMB quá chậm trễ vì dự án này khởi công từ tháng 5/2015 nhưng đến nay vẫn chưa GPMB xong. Theo ông Tùng, mặc dù TP đã rất quyết liệt nhưng các huyện thực hiện không đúng yêu cầu.
Chủ tọa phiên chất vấn, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐND TP, cho rằng việc chậm trễ trong GPMB, trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND 4 huyện An Dương, An Lão, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo. Theo ông Thành, trong năm 2016 Hải Phòng đã triển khai tốt công tác GPMB ở 5 quận nội thành, đã bồi thường, bố trí tái định cư 3.000 hộ. Với quốc lộ 10 thực hiện theo hình thức BOT, nguồn lực không thiếu nhưng vẫn chậm trễ thì trách nhiệm thuộc về chủ tịch các huyện. Theo ông Thành, do việc chậm trễ trong GPMB mà số lượng các vụ TNGT trên tuyến quốc lộ 10 gia tăng rất nhanh, chiếm tới 20% tổng số vụ TNGT của toàn TP.
Ông Thành đề nghị các huyện khẩn trương giải quyết những vướng mắc trên tinh thần có lợi cho dân và đúng quy định pháp luật. Theo ông Thành, những diện tích đất xã giao trái thẩm quyền cho dân thì với người dân vẫn là hợp pháp, còn chính quyền cũ sai thì chính quyền bây giờ phải chấp nhận chứ không thể để người dân thiệt. Bởi suy cho cùng việc phát triển chính là nâng cao đời sống người dân và ổn định tình hình.
Ông Thành đề nghị các huyện phấn đấu GPMB quốc lộ 10 xong trong năm 2016. Với những hộ đã vận dụng tới mức bồi thường, hỗ trợ ở mức trần cao nhất mà vẫn chây ì, ông Thành đề nghị các huyện thực hiện các biện pháp mà pháp luật quy định. “Các đồng chí phải cam kết chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND TP, chứ việc này không thể lùi được nữa”-ông Thành nói.
Không thu phí tham quan Yên Tử
Tại kỳ họp thứ IV, khóa XIII của HDND tỉnh Quảng Ninh (diễn ra từ 5 – 7/12) không xem xét, bàn thảo vấn đề liên quan đến đề xuất thu phí tham quan di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử của UBND thành phố Uông Bí.
Trước đó, UBND thành phố Uông Bí đã có văn bản đề xuất tái thu phí tham quan Di tích danh thắng Yên Tử với lý do góp phần trùng tu tôn tạo, nâng cao các hoạt động dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự, cảnh quan môi trường và tạo sự yên tâm cho du khách khi về tham quan Yên Tử.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết: theo pháp luật, HĐND tỉnh Quảng Ninh có đủ thẩm quyền quyết định có hay không tổ chức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử. Nhưng có một số lý do chưa thể xem xét việc thu phí này.
“Yên Tử ngoài yếu tố là danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử thì còn là nơi sinh hoạt tâm linh, nên các bước đi phải hết sức thận trọng. Hơn nữa, tại Yên Tử, các đơn vị thi công đang xây dựng khu văn hóa tâm linh. Nhiều khả năng đến mùa lễ hội tới công trình vẫn chưa xong, ngổn ngang như thế mà thu phí rất phản cảm nên HĐND tỉnh chưa xem xét, bàn thảo vấn đề này”, ông Thành nói.
Năm 2006, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định bỏ việc thu phí tham quan Di tích danh thắng Yên Tử. Việc làm này đã tác động đến hình ảnh của Yên Tử nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Từ con số 100 nghìn lượt du khách/năm đã tăng vọt lên hơn 2 triệu lượt khách đến với Di tích danh thắng Yên Tử.
Đề xuất xây dựng nghị quyết chuyên đề về kinh tế biển
Ngày 8/12, Tại phiên họp cuối cùng của Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Quảng Nam, nhiều đại biểu đề xuất xây dựng nghị quyết chuyên đề về kinh tế biển, quan tâm phát triển biển đảo và ngư dân bám biển. Quảng Nam có tiềm năng phát triển kinh tế biển với 125 km bờ biển, 2 xã đảo. Tiếp nhận ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Võ Hồng cho biết sẽ đề xuất tổ chức thảo luận chuyên sâu, với sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành như Sở NN&PTNT, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, BĐBP, Sở Văn hóa - du lịch, sở KH - ĐT, sở TNMT và các địa phương phối hợp xây dựng.
“Tôi nhận nhiều tin nhắn về xe dù, bến cóc”
Chiều 8/12, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói sẽ xử lý thích đáng các đơn vị, cá nhân liên quan nếu quá hạn quy định vẫn không xóa được nạn xe dù, bến cóc.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm bức xúc: TPHCM năm nào cũng quyết tâm triệt phá nạn xe dù, bến cóc nhưng làm không được. Giám đốc Sở GTVT hứa dẹp trong tháng 8 và mới đây tiếp tục xin dời đến 31/12. Cử tri nói dẹp xe dù bến cóc không khó, cái khó là cơ quan chức năng có muốn không. Nếu sau ngày 31/12 chưa dẹp được thì xử lý trách nhiệm như thế nào?
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói đã nhiều lần có ý kiến với Sở GTVT tại nhiều cuộc họp thường kỳ của UBND thành phố. “Tôi nhận rất nhiều tin nhắn của người dân về tình trạng xe dù, bến cóc. Mỗi lần nhận tôi đều gọi cho giám đốc Sở GTVT để có giải pháp chấn chỉnh. Hạn chót phải xong là cuối tháng 12, nếu không sẽ bị xử lý thích đáng”, ông Phong nói.
Trả lời về dự án treo, ông Phong cho biết lãnh đạo TPHCM không chấp nhận các dự án đã có chứng nhận đầu tư nhưng không triển khai, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. UBND TPHCM đã giao cơ quan chức năng rà soát và xử lý kiên quyết. Dự án nào không triển khai phải thu hồi.
Người đứng đầu UBND TPHCM cho rằng bộ máy chính quyền thành phố chưa thực sự là chính quyền kiến tạo vì nhiều nơi thủ tục hành chính còn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân. Việc phải làm đầu tiên trong năm 2017 của UBND TPHCM là cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch phục vụ tốt hơn cho người dân.
Tăng cường giám sát việc cấp sổ đỏ cho dân
Sáng 8/12, Kỳ họp thứ ba HĐND thành phố Hà Nội khóa XV bế mạc.
HĐND thành phố đã quyết nghị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu, chi ngân sách thành phố năm 2017, đồng thời, chọn chủ đề năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính”. Trong ngày làm việc cuối cùng, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết về một số nội dung chi, mức chi, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố và thông qua chương trình giám sát năm tới.
Theo đó, năm 2017, HĐND thành phố sẽ giám sát chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô; tình hình, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố.