Thiếu nhi Thủ đô hào hứng thi viết về cuốn sách yêu thích

Em Đặng Ý Nhi (lớp 8D, trường THCS thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội) đoạt giải Nhất cuộc thi với bài viết về tác phẩm "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa".
Em Đặng Ý Nhi (lớp 8D, trường THCS thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội) đoạt giải Nhất cuộc thi với bài viết về tác phẩm "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa".
TPO - Sau 4 tháng phát động, cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” đã nhận được sự quan tâm của các em học sinh với gần 4.000 bài thi chất lượng. Tác giả nhỏ tuổi nhất cuộc thi mới học lớp 4. Có nhiều em học sinh gửi dự thi tới 5 bài vì muốn viết hết về những cuốn sách mình thích.

Ngày 24/9, báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ 7 năm 2017.

Suốt nhiều năm qua, cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” đã trở thành sân chơi văn hóa mùa hè quen thuộc, bổ ích dành riêng cho học sinh phổ thông của Thủ đô Hà Nội và trên khắp cả nước.

Sau 4 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của các em học sinh với gần 4.000 bài thi chất lượng. Tác giả nhỏ tuổi nhất cuộc thi mới học lớp 4. Có nhiều em học sinh gửi dự thi tới 5 bài vì muốn viết hết về những cuốn sách mình thích.

Cuộc thi năm nay còn ghi nhận sự chuyển biến rất rõ rệt trong việc lựa chọn tác phẩm để viết cảm thụ của các thí sinh.

Ngày càng nhiều em học sinh tìm đọc, cảm thụ các tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới (như “Một lít nước mắt”, “Chiến tranh không có gương mặt một phụ nữ”...); tác phẩm viết về đề tài trẻ em (như “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác”, “Hãy tôn trọng, đây là cơ thể tôi”...); đề tài khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc, ngợi ca tấm gương nữ chiến sĩ cách mạng (như “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”).

Đặc biệt, năm nay, số lượng các bài viết về lịch sử đã tăng đột biến so với các năm trước, cho thấy các em học sinh đọc rất nhiều sách lịch sử và có những cảm nghĩ về nhân vật lịch sử hết sức chân thực.

Đọc những bài viết như về “Vũ Như Tô” của em Quỳnh Anh (trường Lương Thế Vinh) hay bài viết “Người quản tượng của vua Quang Trung” của em Vũ Đức (trường Yên Hòa) mới thấy hóa ra biên độ đọc sách lịch sử của các em rất rộng, không thu hẹp ở những nhân vật thường chỉ thấy trong sách giáo khoa.

Những cuốn sách “ngôn tình” cũng được nhiều em học sinh cấp 3 chọn lựa. Nhưng, đọc bài viết của các em về những cuốn như “Điều tuyệt vời nhất của thanh xuân”, “Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi”, “Ai gửi cánh thư vào trong mây”... mới thấy rằng các em đọc sách “ngôn tình” mà không chỉ chú ý đến câu chuyện về tình yêu đôi lứa, mà các em còn nhìn vào khía cạnh tình bạn, tuổi trẻ, hướng đến cách sống chân tình, thân ái để giữ lại những kỉ niệm quý giá của thời thanh xuân tươi đẹp.

Tác phẩm dự thi đạt giải Nhất năm nay là bài cảm nghĩ về tiểu thuyết “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” của em Đặng Ý Nhi (lớp 8D, trường THCS thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội).

Ý Nhi cho biết em chưa từng được thăm Trường Sa, nhưng rất ấn tượng với những câu chuyện gần gũi, không hề bóng bẩy, văn hoa mà nhà văn Xuân Thủy đã viết trong “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”. Nhi bày tỏ hi vọng sẽ ngày càng có nhiều sách truyện viết về đề tài biển đảo để các bạn học sinh có thể đọc và hiểu thêm về cuộc sống trên những hòn đảo xa xôi, nhưng luôn được coi là trái tim của cả nước.

Cũng tại lễ trao giải, BTC cuộc thi cùng các nhà tài trợ đã tặng 500 đầu sách cho Trung tâm Dưỡng lão và hướng nghiệp, phát triển tài năng trẻ Phật tích (Bắc Ninh).

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.