Thậm chí với người viêm họng, viêm xoang… cũng thế, viêm tai không hẳn là hậu quả tất yếu. Trước đây người ta đã nghi ngờ phải có yếu tố nào đó đi kèm thì viêm tai mới phát tán như cá gặp nước.
Hiện nay chuyện đó đã rõ như ban ngày, sau khi các nhà nghiên cứu chứng minh mối liên quan mật thiết giữa khuynh hướng viêm tai cũng như di chứng của bệnh này với tình trạng khiếm khuyết một số dưỡng chất trong cơ thể người bệnh.
Ai cũng rõ loa tai ảnh hưởng trên trung khu giữ quân bình. Chính vì thế mà bệnh ở tai dễ gây chóng mặt. Nhưng không phải vì thế mà ai cũng xây xẩm do trước đó bị viêm tai.
Cung ứng dưỡng chất để tránh thiếu hụt khi cần chính là một trong các biện pháp thiết thực để phòng ngừa hậu quả, sau khi bị viêm tai.
Nói chung, người bệnh nên lưu ý một số nguyên tắc trong chế độ dinh dưỡng như:
Đừng để thiếu khoáng tố iốt, đặc biệt ở trẻ con, vì theo kết quả nghiên cứu gần đây, tiến trình bình phục ở người bị viêm tai rõ ràng tỷ lệ nghịch với hàm lượng iốt trong máu. Càng thiếu iốt càng lâu lành cho dù có bơm đủ loại thuốc kháng sinh đời mới.
Giữ hàm lượng sinh tố A dư thêm một chút càng tốt, vì hoạt chất này cần thiết cho hoạt động tối ưu của thần kinh thính giác. Thiếu sinh tố này dễ dẫn đến ù tai. Nhưng đừng vì thế mà lạm dụng thuốc sinh tố A vì sinh tố này một khi tích lũy có thể gây ngộ độc.
Quan trọng hơn nữa là tiền sinh tố A trong rau quả có màu vàng cam hay xanh thẫm vì đây là nhân tố có công năng bảo vệ và phục hồi lớp niêm mạc lót bên trong ống tai. Thiếu chất này là lý do khiến bệnh lâu khỏi dù đúng thầy.
Không ít nạn nhân chóng mặt là vì viêm tai giữa tuy lành, nhưng sau đó lại viêm xương chũm tai. Điểm đáng nói là đa số trong nhóm này lại thiếu sinh tố D. Ngược lại, khi kết hợp sinh tố D trong phác đồ điều trị thì tỷ lệ mắc bệnh giảm thiểu thấy rõ.
Từ ghi nhận là nhiều người ăn chay trường dễ bị ù tai, người ta đã phát hiện di chứng của viêm tai có liên quan đến hàm lượng khoáng tố sắt trong máu. Càng thiếu sắt càng mau nghễnh ngãng.