Thiếu bãi đỗ xe do tầm nhìn hạn hẹp

Thiếu bãi đỗ xe do tầm nhìn hạn hẹp
TP - Phát biểu tại toạ đàm về bãi đỗ xe đô thị do Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị & nông thôn (Bộ Xây dựng) tổ chức ngày 29-6 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp cấp phép đỗ xe trên lòng đường, vỉa hè tại Hà Nội và TPHCM ngày càng bất hợp lý, tác động rất xấu đến giao thông đô thị.

> Hoãn...đề xuất 3.000m2 đất công viên Thống Nhất làm bãi đỗ xe

Bãi đỗ xe dưới lòng đường gây ách tắc giao thông. Ảnh: Minh Tuấn
Bãi đỗ xe dưới lòng đường gây ách tắc giao thông. Ảnh: Minh Tuấn.

KTS Lưu Đức Hải, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, chỉ cần 1 chiếc ô tô đỗ dưới lòng đường cũng ảnh hưởng xấu đến trên 5.000 xe đạp qua lại hằng ngày, gây ách tắc, cản trở giao thông. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng biện pháp này vẫn phù hợp tại các đô thị nhỏ.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội, cho biết, sở dĩ bãi đỗ xe trên lòng đường, vỉa hè tràn lan khắp nơi vì ngay cả trong quy hoạch giao thông năm 1994 trước đây đã cho phép thực hiện giải pháp này, dẫn đến lúc cao điểm có tới 400 tuyến phố cấp phép đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè.

KTS Nghiêm kiến nghị cần nâng quy chuẩn về diện tích đỗ xe/căn hộ khi cấp phép dự án tại Hà Nội và TPHCM. “Quy chuẩn yêu cầu phải có 0,8 chỗ đỗ xe cho mỗi căn hộ là quá lạc hậu. Một gia đình có hai xe ô tô trở lên là bình thường, nhất là tại các đô thị lớn”, KTS Nghiêm nói.

Nhiều chuyên gia khác lưu ý, quy hoạch mạng lưới kinh doanh thương mại của Hà Nội, TPHCM thiếu sự gắn kết với quy hoạch giao thông, dẫn đến càng thiếu trầm trọng nơi đỗ xe.

Nguyên Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm khẳng định, để xảy ra tình trạng thiếu bãi đỗ xe đến mức như hiện nay có lỗi của cơ quan quy hoạch và chính quyền.

“Nhiều người nói do thiếu tiền nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Lỗi lớn nhất của chúng ta là thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt và tầm nhìn quá hạn hẹp”, ông Kiểm nói.

Minh chứng cho ý kiến ông Kiểm, nhiều nhà đầu tư bày tỏ bức xúc trước chính sách đầu tư bãi đỗ xe ngầm, phát triển giao thông công cộng thiếu hấp dẫn, khó thu hồi vốn...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG