> Nghệ An-Hà Tĩnh: Hồ thủy lợi xả nước đón lũ
> Mưa lớn, nhiều hồ chứa miền Trung đã đầy và xả tràn
Chỉ tính từ khi mùa mưa bão bắt đầu đến nay đã có ít nhất 5 hồ đập thuộc loại trung bình bị vỡ (chưa kể các hồ đập nhỏ vẫn chưa được thống kê), như: Vỡ đập Cơn Đẻn (Thanh Chương, Nghệ An) do ảnh hưởng bão số 11; vỡ đập Đồng Đáng và Khe Luồng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) do ảnh hưởng bão số 10; vỡ đập Phân Lân (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) do ảnh hưởng của bão số 5…
Giờ cả nước đang căng mình chống siêu bão Haiyan. Và như thường lệ, câu hỏi: Hàng ngàn hồ đập lớn nhỏ trên cả nước rồi sẽ ra sao? Người dân sống dưới những quả “bom nước” lại mất ăn, mất ngủ, cầu trời, khấn phật cho giờ hẹn “nổ” của nó không tới và sớm được “tháo ngòi nổ”.
Có vị chuyên gia thủy lợi sau nhiều năm thẩm định nguyên nhân các đập vỡ từng nói: Chưa thấy hồ đập nào vỡ mà không do lỗi của con người. Rồi ông liệt kê ra hàng loạt vấn đề như: Thi công không đúng thiết kế, thay đổi kết cấu, vật liệu, cho tới những nguyên nhân vận hành, duy tu, bảo dưỡng….
Ngay cả những người vận hành hồ chứa phần lớn không có chuyên môn, chỉ biết mỗi việc mở và đóng cống lấy nước. Thậm chí, một lãnh đạo Sở NN&PTNT Thanh Hóa còn khẳng định chắc nịch, nếu trận mưa lớn như đợt bão số 10 vừa qua mà trút xuống chỗ nào của miền Bắc thì hồ đập nơi đấy sẽ vỡ; chứ không riêng gì hai hồ đập vỡ ở huyện Tĩnh Gia. Hóa ra, “thiên tai” đã làm phát lộ nguyên nhân chủ yếu do “nhân tai”.
Tình cảnh là vậy, nhưng cả ngàn hồ đập già nua (phần lớn xây dựng trước những năm 80 của thế kỷ trước) lâu nay lại ít được “thăm khám”, “chữa trị”. Để giờ bệnh thêm trầm kha, người ta mới cuống cuồng kiểm tra, khoanh vùng, lên kế hoạch sửa chữa. Nhưng, hỡi ôi, số tiền dự kiến không dưới 5.000 tỷ đồng biết khi nào mới có?
Một lãnh đạo ngành thủy lợi thừa nhận, lâu nay nguồn vốn phòng chống lụt bão vẫn chủ yếu dành cho đê điều; hồ đập ít được quan tâm. Còn nguồn thủy lợi phí hầu hết các đơn vị quản lý chỉ dành cho bảo trì, bảo dưỡng hệ thống kênh mương, hầu như không có hồ đập. Bão lũ ngày càng dữ dội, chỉ mong sao đừng có thêm “nhân tai” chồng thiên tai trút xuống đầu người dân.