Ngày 29/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án vô ý làm chết người tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). Diễn biến tại tòa cho thấy, từ năm 2010 tới nay, Cty Thiên Sơn đã đặt máy chạy thận tại BV Hòa Bình để kinh doanh; chia doanh thu 90% về Thiên Sơn, 10% cho bệnh viện.
Ngày 25/5/2017, ông Trương Quý Dương - nguyên GĐ BV Hòa Bình ký hợp đồng 315 gồm 10 hạng mục với Thiên Sơn để sửa chữa hệ thống lọc nước RO 2 dùng cho chạy thận. Cùng ngày, Thiên Sơn “bán lại” hợp đồng này cho Cty Trâm Anh với giá thấp hơn, hưởng chênh lệch.
Ngày 28/5/2017, bị cáo Bùi Mạnh Quốc - GĐ Trâm Anh đã sơ ý để axit tồn dư trong hệ thống khi sửa chữa RO 2. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương ra lệnh chạy thận khiến 9 người chết, 9 người bị thương.
Tại tòa, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên BV Hòa Bình và Cty Thiên Sơn phải liên đới bồi thường cho các bị hại. Luật sư của BV Hòa Bình đồng tình ý kiến này và đề nghị tòa khởi tố vụ án với ông Đỗ Anh Tuấn - GĐ Thiên Sơn vì chuyển nhượng thầu trái phép cho Cty Trâm Anh; để bị cáo Quốc - người không được đào tạo chuyên môn vào sửa chữa với tư cách người của Thiên Sơn.
Ngoài ra, phía BV Hòa Bình cho biết, giá chạy thận tại đây cao gấp 2 lần so với BV Bạch Mai và các địa phương khác. Tuy vậy, trong việc chạy thận, bệnh viện luôn luôn lỗ, chỉ Cty Thiên Sơn có lãi.
Được đối đáp, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương bảo vệ Cty Thiên Sơn cho biết, giá thuê máy chạy thận là 7,7 USD/ca cho tất cả các hợp đồng Thiên Sơn đã ký ở BV Hòa Bình. Toàn bộ bệnh nhân ở BV Hòa Bình được bảo hiểm trả tiền.
Tiếp đến, hệ thống RO 2 đã thuộc sở hữu của BV Hòa Bình. Ông Trương Quý Dương cũng có lời khai thể hiện cán bộ bệnh viện được phân công có trách nhiệm đảm bảo tách biệt nước của RO2 với RO 1, 2 nguồn nước chỉ được thực hiện hợp nhất khi đảm bảo kết quả xét nghiệm…
Ngày 29/5/2017, BV Hòa Bình đã dùng nước từ RO 2 bơm vào người bệnh để chạy thận khi Thiên Sơn chưa hoàn thành việc sửa chữa theo hợp đồng. “Việc dùng nước chưa đảm bảo là vô cùng nguy hiểm, thể hiện sự cẩu thả, vô trách nhiệm của bệnh viện nhưng cũng thể hiện Thiên Sơn không có lỗi trong hành vi này”- luật sư Hương nói.
Luật sư Đinh Hương (người cầm micro) bảo vệ cho Cty Thiên Sơn.
Luật sư của Thiên Sơn cũng không đồng tình quan điểm của kiểm sát viên khi buộc đơn vị mình liên đới bồi thường. Bà Hương nêu lý do: “BV tự ý đưa nước đang sửa chữa, đang thực hiện hợp đồng vào chạy thận là ngoài mong muốn của Thiên Sơn và Cty Thiên Sơn không thể ngăn cản nổi”.
Nữ luật sư cũng phản biện quan điểm của phía bệnh viện về việc “bán thầu”, ăn chênh lệch: “Khoa học pháp lý không có từ bán thầu. Tôi phản đối việc đưa ngôn ngữ không đúng để gây hiểu lầm, ảnh hưởng tới uy tín của Thiên Sơn… Hành vi của Thiên Sơn không có mối quan hệ nhân quả trực tiếp tới hậu quả”.
Về việc BV cho rằng Thiên Sơn có hành vi sai phạm trong quản lý đấu thầu, luật sư Hương cho biết Thiên Sơn đã bị xử lý bằng 2 quyết định. “Đây là tranh chấp kinh doanh thương mại, không liên quan đến tội phạm… không có căn cứ xử lý hình sự và không có căn cứ xử lý lần 2. Việc này chúng tôi sẽ khởi kiện ở vụ án khác sau khi có phán quyết ở vụ án này” - đại diện Thiên Sơn nói.
Từ những phân tích, luật sư Đinh Hương đề nghị tòa xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế khi không ban hành quy trình lọc máu, chạy thận. “Bao nhiêm năm họ không ban hành nhưng sau vụ án vài tháng họ ban hành rồi. Vậy bao nhiêu năm trước họ ở đâu?” - bà Hương nêu câu hỏi.
Đại diện Cty Thiên Sơn cũng đề nghị tòa tuyên việc đưa nước chưa đảm bảo vào lọc máu không có lỗi của Thiên Sơn; bác yêu cầu của kiểm sát viên về việc Thiên Sơn phải liên đới bồi thường; bác yêu cầu khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn - GĐ Thiên Sơn.
Đáp lại, kiểm sát viên tái đề nghị tòa tuyên bệnh viện và Thiên Sơn phải liên đới bồi thường vì cả 2 bên đều thừa nhận có ký hợp đồng, có giao kết và bị cáo Bùi Mạnh Quốc thực hiện hợp đồng trong tư cách người của Thiên Sơn.