Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình

Bệnh nhân tỉnh nghèo chịu giá chạy thận gấp đôi?

Bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Hòa Bình. Ảnh: PV.
Bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Hòa Bình. Ảnh: PV.
TP - Theo luật sư bảo vệ cho Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình - bị đơn dân sự trong vụ án,ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc Bệnh viện đã mắc nhiều sai phạm nên cần xử lý, buộc bồi thường. Ngoài ra, cần làm rõ tại sao bệnh nhân phải chịu giá chạy thận gấp đôi, bệnh viện luôn lỗ, chỉ doanh nghiệp có lãi.

Bán thầu ăn chênh lệch

Ngày 28/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ vô ý làm chết người khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). Theo cáo trạng, ngày 25/5/2017, ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc BV Hòa Bình ký hợp đồng số 315 trị giá gần 100 triệu đồng với Cty Thiên Sơn để sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 dùng cho chạy thận.

Cùng ngày, Cty Thiên Sơn ký hợp đồng số 05 trị giá hơn 70 triệu đồng với Cty Trâm Anh - tức “bán lại” hợp đồng số 315. Ngày 28/5/2017, bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Trâm Anh để axit lẫn trong hệ thống khi sửa chữa. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương ra lệnh chạy thận khiến 9 người tử vong. Tại tòa, phía Cty Thiên Sơn và một số người cho biết, Cty này đã đặt máy chạy thận vào BV Hòa Bình để hợp tác “kinh doanh” từ năm 2010 tới nay. Qua đây, Cty Thiên Sơn được chia 90% lợi nhuận, BV hưởng 10%.

Luật sư Nguyễn Danh Huế - bảo vệ BV Hòa Bình khẳng định, trong vụ án, Cty Thiên Sơn đã bán thầu trái pháp luật khi không xin phép, thông báo cho BV nhưng chuyển nhượng hợp đồng cho Cty Trâm Anh để ăn chênh lệch. Ông Huế dẫn hồ sơ thể hiện hợp đồng 315 và 05 giống nhau hoàn toàn, được ký trong cùng 1 ngày. Như vậy, hành vi của Cty Thiên Sơn đã vi phạm pháp luật dân sự và pháp luật về đấu thầu.  

Ông Huế tiếp tục: “Việc chuyển thầu trái pháp luật là nguyên nhân chính gây chết người. Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị HĐXX tuyên buộc Cty Thiên Sơn phải bồi thường toàn bộ cho gia đình các nạn nhân. Hành vi chuyển nhượng thầu còn khiến 9 người chết, xói mòn niềm tin của nhân dân… nên cần xử lý nghiêm khắc”. Vị này cũng  đề nghị tòa khởi tố vụ án với ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Cty Thiên Sơn.

Đáng chú ý, luật sư của BV Hòa Bình cho rằng trong vụ án có lỗi rất lớn của ông Trương Quý Dương, giám đốc BV thời điểm đó. Theo luật sư Huế, ông Dương là công chức duy nhất của BV Hòa Bình, được điều chỉnh bởi luật công chức nên phải chịu trách nhiệm về cá nhân, về kết quả công việc được giao… “Ông Dương để xảy ra sự việc, phải chịu trách nhiệm người đứng đầu theo luật công chức. Tại sao VKSND không hề đề cập lỗi của người đứng đầu, không có kiến nghị nào để xử lý?” - ông Huế đặt câu hỏi với kiểm sát viên.

Tỉnh nghèo chịu giá chạy thận gấp đôi?

Tiếp đến, ông Nguyễn Danh Huế cho biết đã nghiên cứu tài liệu thể hiện bệnh nhân ở Hòa Bình - tỉnh miền núi, khó khăn phải chịu mức giá chạy thận gấp đôi so với tại BV Bạch Mai. Cụ thể: “Chúng tôi đã nghiên cứu ở nhiều địa phương, thấy người chạy thận chỉ phải trả từ 3 - 4 USD/ca nhưng ở BV Hòa Bình giá gấp đôi”.

Ngoài ra, suốt quá trình hợp tác với Cty Thiên Sơn, Đơn nguyên thận nhân tạo của BV Hòa Bình luôn luôn lỗ. Luật sư đặt câu hỏi, cho rằng có lợi ích nhóm trong việc chạy thận khi BV không có lợi ích, người bệnh phải trả giá gấp đôi, chỉ doanh nghiệp là có lãi.

Nói tiếp về quan điểm xử lý dân sự, luật sư Nguyễn Danh Huế đề nghị tòa xem xét việc ông Trương Quý Dương đã sai sót trong việc nhận nhà thầu, không kiểm tra, đánh giá… gây hậu quả 9 người chết. “Căn cứ hành vi của Trương Quý Dương, chúng tôi kính đề nghị HĐXX xem xét ông Dương phải bồi thường thay cho bệnh viện nếu BV được xác định có lỗi, bị buộc bồi thường vì đây hoàn toàn là lỗi người đứng đầu” - ông Huế nói.

Về phần hình sự, luật sư của BV Hòa Bình đề nghị tòa giảm nhẹ cho các bị cáo Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn vì họ chỉ là nạn nhân của người có trách nhiệm… Với bị cáo Hoàng Công Lương, ông Huế nói: “Căn cứ diễn biến tại tòa, chúng tôi thấy những cáo buộc của VKSND với Lương còn khiên cưỡng, thủ tục tố tụng bị vi phạm nghiêm trọng; chứng cứ các luật sư đưa ra là chắc chắn… Chúng tôi kiến nghị tòa xử Hoàng Công Lương vô tội”.

Tham gia tranh tụng, đại diện các gia đình nạn nhân thiệt mạng trong vụ án khẳng định, bản luận tội của kiểm sát viên xác định họ xin giảm án cho bị cáo Hoàng Công Lương là sai. “Chúng tôi không xin giảm nhẹ, chúng tôi thấy bác sĩ Lương vô tội, cần tòa tuyên bác sĩ vô tội. Nếu tuyên có tội, dù chỉ 1 ngày án treo cũng ảnh hưởng đến cả đời người ta” - một đại diện bị hại trả lời HĐXX.

Luật sư Trần Hồng Phúc - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đề nghị tòa làm rõ chi tiết ngay sau vụ việc, có sự tiệt trùng đường nước hệ thống RO số 2. Do đó, hiện trường đã bị thay đổi, có dấu hiệu đổ tội cho các bác sĩ, điều dưỡng tại Đơn nguyên thận nhân tạo và đánh lạc hướng điều tra.

MỚI - NÓNG