Phần 2 Kỳ án “Áp giải học sinh giữa sân trường”- Bài cuối:

Thiện cần được minh oan và tin vào công lý!

Bố con Thiện trước phòng khám Đa khoa Hòa Hảo (TPHCM) chiều 10/6
Bố con Thiện trước phòng khám Đa khoa Hòa Hảo (TPHCM) chiều 10/6
TP - Hậu quả của việc vi phạm các quy định về điều tra, tố tụng trong vụ án đầy dấu hiệu oan sai đã đẩy nam sinh Đỗ Quang Thiện vào tù. Dù Tòa án Nhân dân Tối cao đã tạm đình chỉ thi hành án, nhưng công luận vẫn nóng lòng chờ phiên tòa giám đốc thẩm sắp tới, liệu có đủ công minh hay không?

Khi cả 3 ngành đều ra sức kết tội một đứa trẻ

Xác nhận của lãnh đạo ngành Y tế Đắk Lắk sau cuộc họp phân xử đúng - sai ngày 29/5/2015 giữa 2 kết luận trái ngược nhau, của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk với công văn 696 vững chắc về chuyên môn y chứng, và của Trung tâm Pháp y (TTPY) với Bản kết luận pháp y 1164 (KLPY) mà giám đốc TTPY kiêm giám định viên Từ Công Hiển lập ra chủ yếu chỉ bằng… kinh nghiệm cá nhân như chính ông Hiển đã thừa nhận, cho thấy CV 696 mới là căn cứ đáng tin cậy trong việc xác định Đỗ Quang Thiện không phải là thủ phạm gây ra bệnh lý đột qụy cho ông Lê Phước Thọ.

Điều lạ lùng nhất trong vụ án này là chính Viện KSND TP Buôn Ma Thuột (VKS) đã gửi công văn số 1133 đề nghị Bệnh viện tỉnh giải thích cho rõ nguyên nhân bệnh lý của ông Thọ là do đâu, điều trị tại khoa Nội là có đúng không, có liên quan gì tới sự cố va chạm ngã xe hay không?  Phần cuối CV 1133 ghi những nơi đồng gửi công văn này có cả cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột (CSĐT). Thế nhưng khi Bệnh viện nghiêm túc phúc đáp các yêu cầu này bằng CV 696, trong đó khẳng định ông Thọ đột qụy hoàn toàn do bệnh lý chứ không liên quan gì đến tai nạn giao thông, thì  VKS lại đơn phương căn cứ kết luận giám định pháp y 1164 đầy bất thường để luận tội em Thiện.

Qua 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm nhưng vì sao cả 3 ngành đều ra sức bác bỏ tất cả các lời khai, các dấu hiệu, các chứng cứ cho thấy rất có thể em Thiện đã bị khởi tố oan, để buộc tội và phạt tù cho bằng được một đứa trẻ, mà khi vụ va chạm nhẹ xảy ra trên đường, cháu vẫn còn ở độ tuổi vị thành niên? Điều này rất cần được điều tra, làm rõ trong các bước tố tụng sắp tới.

Nỗi day dứt của các chuyên gia

Về tính chất phức tạp của nghề giám định pháp y (GĐPY), trao đổi với báo Tiền Phong, bác sĩ Phạm Xuân Toàn - Phó Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia chia sẻ: Đa số trường hợp cần giám định tổn hại sức khỏe, thường bên bị hại luôn muốn giám định viên (GĐV) tăng tỉ lệ thương tật càng nặng càng tốt, để đòi bồi thường; còn bên bị can luôn muốn tỉ lệ càng nhẹ càng tốt để giảm tội. Chính vì vậy, trước mọi tác động, mua chuộc, GĐV không liêm khiết, vững vàng bản lĩnh rất dễ làm sai lệch vụ việc, khiến kết quả GĐPY không còn đúng với thực tế.

Từ nước Mỹ, đọc kỹ cả loạt bài về kỳ án “Áp giải học sinh giữa sân trường” đăng trên Tiền Phong Online, tiến sĩ Trần Đình Hoành, luật sư tranh tụng của bang Washington nhận xét: “VKS đại diện nhà nước để đem công lý lại cho nhân dân chứ không phải để cố thắng trong các vụ  kiện.  Nếu có bằng chứng có thể chứng minh bị cáo vô tội, VKS có nhiệm vụ đưa bằng chứng đó cho tòa biết, để bảo đảm công lý. Công văn 696 của  BVĐK tỉnh Đắk Lắk là một bằng chứng rất quan trọng. VKS nói rằng chỉ  có kết luận  của giám định pháp y mới là bằng chứng, còn kết luận  của bệnh viện không phải, thì đó là hiểu lầm về bằng chứng. Cả hai đều là bằng chứng, mỗi bằng chứng có giá trị đến đâu là do tòa thẩm định. Tòa có thể triệu tập bác sĩ chữa trị và giám định pháp y đến để hỏi họ trực tiếp. Vụ án này rất bất ổn về thủ tục tố tụng và công lý !”.

Hai luật sư đã thông qua báo Tiền Phong nhận lời hỗ trợ pháp lý miễn phí cho cháu Thiện, là Ls Phan Ngọc Nhàn và Ls Hà Hải có cùng nhận định: Đối với vụ án này, hiện nay phải chờ kết quả giám đốc thẩm của TAND Tối cao. Sau khi có quyết định giám đốc thẩm xử hủy án phúc thẩm, TAND Tối cao sẽ giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử lại phúc thẩm với một hội đồng xét xử khác. Trong phiên toà phúc thẩm tới, Toà án phải hết sức thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ để xác định có hay không vụ tai nạn giao thông làm cho ông Thọ bị tổn hại 50% sức khỏe. Tòa phải đánh giá lại toàn bộ chứng cứ trong hồ sơ vụ án, có thể yêu cầu cơ quan điều tra thực nghiệm điều tra, yêu cầu VKS trưng cầu giám định tại một hội đồng giám định khác hoặc triệu tập giám định viên đến phiên tòa để trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. Nếu giám định viên không giải thích được, HĐXX có thể tuyên cháu Thiện không phạm tội, đồng thời khởi tố giám định viên về tội khai báo gian dối hoặc cung cấp chứng cứ tài liệu sai sự thật.

Tòa phúc thẩm cũng cần xem xét lại việc vì sao CV 696 không được đưa vào hồ sơ vụ án, để tìm ra sự thật khách quan, xử lý đúng người, đúng tội trong phiên xử sắp tới.

Thiện giờ ra sao?

Những thử thách nghiệt ngã đối với cậu học trò lớp 12 trong gần 3 năm, trải qua các bước tố tụng có dấu hiệu oan sai, đã quật ngã nam sinh hiền ngoan, đầy nghị lực Đỗ Quang Thiện. Ngày 10/6/2015, tôi ghé nhà Thiện để xem em đã ôn luyện tới đâu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, và thi vào đại học, nhưng chỉ thấy cửa nhà đóng im ỉm, điện thoại không ai nhấc máy. Sau hồi lâu nỗ lực liên lạc, tôi mới biết bố em đã đưa con vào TPHCM.

Qua điện thoại, ông Đỗ Quang Thanh cho biết: Gần đây, Thiện ngày càng bị những cơn đau đầu, đau ngực hành hạ dữ dội, không ngồi học được nữa. Sợ không đủ sức dự thi, Thiện mới xin bố cho đi khám bệnh. Trọn ngày liên tục chiếu chụp, thăm khám, xét nghiệm, các kết quả do phòng khám đa khoa Hòa Hảo - Trung tâm chẩn đoán Y khoa Medic cung cấp cho thấy Thiện từng bị nhiều tổn thương, gãy xương sườn, vẹo xương mũi! Ông lấy các kết quả chiếu, chụp, chẩn đoán ra, bảo Thiện lần lượt đọc cho tôi nghe: Chấn thương ngực, gãy xương sườn số 2 bên phải, đã tạo Cal xương, đau tức ngực; viêm xoang hàm, sàng 2 bên; Vách ngăn mũi lệch sang phải …

Tôi hỏi Thiện: Ai đã đánh cháu, đánh lúc nào, tại đâu? 

Thiện kể: Khi cháu gặp cô trong tù, có cán bộ trại giam đứng bên cạnh, cháu không dám nói. Về nhà, cháu cũng không dám nói nhiều, sợ ông bà ngoại già yếu và cha mẹ lo buồn. Vách mũi cháu bị lệch, chắc do 2 cú tát như trời giáng của cán bộ trại giam hồi đầu tháng 4/2015, khi cháu mới vào trại tạm giam Công an TP Buôn Ma Thuột. Sau đó khoảng 2 tuần, cháu được chuyển xuống phòng 4C1 trại tạm giam Công an tỉnh. Vừa nhập phòng, cháu đã bị một “đại bàng” là một tù nhân cùng phòng đánh dã man, đấm đá hàng chục cú vô bụng và ngực, rồi đưa điện thoại bảo cháu muốn yên thân thì nói gia đình gửi vào tài khoản của ông ấy mỗi tháng 2 triệu đồng. Cháu gọi cho mẹ, mẹ chưa kịp ghi số tài khoản, bảo chiều ông ấy đưa điện thoại cho cháu gọi lại. Ngay sau đó cháu được chuyển qua phòng khác.

Im lặng giây lát, Thiện kêu lên: Dù sao, nỗi đau thể xác rồi cũng qua. Cô ơi, điều cháu cần nhất là được minh oan, được còn tin vào công lý ! 

Tòa phúc thẩm cũng cần xem xét lại việc vì sao CV 696 không được đưa vào hồ sơ vụ án, để tìm ra sự thật khách quan, xử lý đúng người, đúng tội trong phiên xử sắp tới.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.